“Giá những người có ý định bỏ đi đứa con của mình nhìn thấy những người đau đáu một tiếng khóc trẻ thơ mà biết sợ, suy nghĩ lại!”

Lần nào rời khỏi phòng IVF, tôi cũng dừng lại rất lâu ở hành lang phía sau, nhìn xuống sân thượng của khu nhà bên cạnh. Ở đó, các sản phụ, bà ngoại, bà nội đang ẵm những đứa trẻ mới ra đời, cẩn thận nâng niu từng chút một dưới ánh nắng đầu ngày. Có vài tiếng o oe, vài đứa vẫn say sưa ngủ chẳng cần biết trời đất. Chỉ cách đó vài bước chân, căn phòng lạnh tanh kia vẫn ngày ngày tiếp nhận những người phụ nữ đang hy vọng và tuyệt vọng, cùng một lúc. “Giá những người có ý định bỏ đi đứa con của mình nhìn thấy những người đau đáu một tiếng khóc trẻ thơ mà biết sợ, suy nghĩ lại!”
“Kiếm con” là một quá trình dài và tốn kém. Có người may mắn, chỉ một lần chọc hút, thụ tinh và cấy phôi là đã có thể thành công, vài người khác, hết năm này qua tháng khác lui tới bệnh viện, vẫn vô vọng.

“Giá những người có ý định bỏ đi đứa con của mình nhìn thấy những người đau đáu một tiếng khóc trẻ thơ mà biết sợ, suy nghĩ lại!”

◪ Con ở đâu?

Ngoài phòng nạo, bệnh viện còn một nơi nữa mà người gây mê như tôi thường phải đi “đánh lẻ”, đó là phòng IVF*. Cũng khoảng một tháng một lần, tôi phải một mình “đem chuông đi đánh xứ người”. Và cũng như ở phòng nạo, tôi thường rất căng thẳng khi đứng ở phòng này. Thời gian đầu đi nạo và đi IVF, tôi hay vào tủ thuốc gây mê, lấy mấy ống Suxa cho vào túi áo, đến lúc về lại phòng mổ mới thở phào cất thuốc vào chỗ cũ. Dĩ nhiên, tôi không mong phải dùng đến chúng, nhưng cẩn tắc vô áy náy, mình kém cỏi thì cứ đem theo, lỡ như cần cũng không cuống cuồng lên tìm, thêm nữa, bản thân cũng an tâm hơn, kiểu như một loại bùa hộ mệnh vậy.

*IVF là tên viết tắt của In Vitro Fertilization – phương pháp thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm.

*Suxamethonium, là thuốc giãn cơ ngắn (thời gian tác dụng nhanh) được sử dụng trong gây mê và phẫu thuật.


Đi IVF, tôi thường hay lên sớm, chuẩn bị thuốc men dụng cụ, xong xuôi, ngồi đọc qua hồ sơ những ca được làm hôm đó. Có lẽ, do xấu tính, nên ngoài các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, tôi đều đọc rất kỹ PARA, tiền sử bệnh. Cũng không quá khó để nhận ra, có khá nhiều trường hợp trước khi là bệnh nhân ở phòng IVF, đã từng lui tới phòng nạo. Có lần, tôi đọc được được hồ sơ bệnh án thế này: “Bệnh nhân nữ, gần 40 tuổi, kết hôn lần thứ nhất khi ngoài 20, không ngừa thai, một năm sau khi cưới, có thai rồi bỏ, lại tiếp tục không ngừa thai, một năm sau, bỏ đứa thứ hai. Hai năm sau đó, mang thai lần thứ ba, thai ngoài tử cung, phải cắt ống dẫn trứng. Năm tiếp theo, có thai ngoài tử cung, phải cắt tiếp ống dẫn trứng bên còn lại, không cách nào có thai tự nhiên được nữa. Sau đó, bệnh nhân ly hôn. Kết hôn lần hai, tha thiết có đứa con cho chính mình, vợ chồng bệnh nhân phải nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm”. Đọc hồ sơ, tôi thấy như có ngọn lửa đang bùng lên trong lòng. Vốn là đứa vô đạo vô thần, nhưng không ít lần, tôi phải thốt lên hai từ “quả báo”. Nghĩ như vậy, thì hẳn tôi cũng sẽ bị trừng phạt, vì những suy nghĩ tàn ác của mình với những nữ bệnh nhân này.

Chọc hút trứng khá đau, nên các bệnh nhân đều cần được ngủ yên và giảm đau tốt. Ai bước vào phòng IVF cũng căng thẳng ra mặt. “Kiếm con” là một quá trình dài và tốn kém. Có người may mắn, chỉ một lần chọc hút, thụ tinh và cấy phôi là đã có thể thành công, vài người khác, hết năm này qua tháng khác lui tới bệnh viện, vẫn vô vọng.

Nhiều lần tôi chia sẻ với các anh chị đồng nghiệp rằng, bệnh viện nên bố trí phòng nạo và phòng IFV đối diện nhau, để những con người có ý định bỏ đi đứa con của mình nhìn thấy những người đau đáu một tiếng khóc trẻ thơ mà biết sợ, biết suy nghĩ lại. Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, nếu làm như thế thật, chắc không ít người đang đứng trước phòng IVF sẽ nghĩ về quá khứ mà không thôi tự trách mình. Hoặc, sẽ phẫn nộ lắm trước những ông bố bà mẹ đang cố khước từ con mình.

“Giá những người có ý định bỏ đi đứa con của mình nhìn thấy những người đau đáu một tiếng khóc trẻ thơ mà biết sợ, suy nghĩ lại!”

◪ Con người ta, nếu biết nghĩ, thì cuộc sống đã tốt đẹp biết chừng nào!

Rất nhiều lần, một tay cầm mask cho bệnh nhân thở oxy, tay kia, tôi lau đi những giọt nước mắt vẫn vô thức chảy ra trên gương mặt đang say ngủ. Có thể là chút đau còn sót lại, có thể là chút lo lắng, cũng có thể là chút hối hận. Phòng IVF lúc nào cũng lạnh, thậm chí còn lạnh hơn phòng mổ. Khi tiến hành chọc hút, đèn tắt hết, chỉ còn chút ánh sáng vàng lờ mờ. Nếu không ngủ, chắc bệnh nhân sẽ sợ lắm. Tôi nhìn màn hình theo dõi, nhìn đường điện tim mấp mô như chính cuộc đời một con người. Chính cái mấp mô ấy tạo nên cuộc sống. Vậy tại sao tôi lại mong mọi thứ thẳng một đường?

Nhịp tim tôi nhảy theo từng số đếm vọng về từ ô cửa nhỏ thông với phòng xét nghiệm: hai, ba, đôi khi là chín, mười, mười mấy… Đó là số trứng thu được. Những con số vô hồn đó, nay mai sẽ trở thành phôi, rồi thành đứa trẻ òa khóc trong những giọt nước mắt hạnh phúc của ba mẹ chúng. Hoặc là không. Tôi nhớ mãi câu chuyện của một người phụ nữ trong chương trình Thay lời muốn nói, chị đã để chồng ra đi sau 10 năm “kiếm con” miệt mài. Đến tận khi đã ly hôn, người phụ nữ ấy vẫn đến bệnh viện, xin chuyển phôi lần cuối cùng, không phải với mong muốn giữ chồng, mà vì khát khao được một lần làm mẹ. Đã chẳng có “happy ending” nào cả. Chẳng có.

Lần nào rời khỏi phòng IVF, tôi cũng dừng lại rất lâu ở hành lang phía sau, nhìn xuống sân thượng của khu nhà bên cạnh. Ở đó, các sản phụ, bà ngoại, bà nội đang ẵm những đứa trẻ mới ra đời, cẩn thận nâng niu từng chút một dưới ánh nắng đầu ngày. Có vài tiếng o oe, vài đứa vẫn say sưa ngủ chẳng cần biết trời đất. Chỉ cách đó vài bước chân, căn phòng lạnh tanh kia vẫn ngày ngày tiếp nhận những người phụ nữ đang hy vọng và tuyệt vọng, cùng một lúc.

Tôi nhìn dòng xe chen nhau xuôi ngược trên con đường Lý Thường Kiệt, ai ai cũng vội vã với những lo toan riêng của mình. Ngày qua ngày lại, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra như thế, đầy mâu thuẫn, ngay sát cạnh nhau.

* Trích sách “Tôi cần một cái khuôn khác méo mó cũng được” của tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên.

Thảo Nguyên (theo Thời Đại)
Bài về chủ đề Đau lòng:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ