Nhân cách con người mới đích thực là kho báu vô giá! Giáo dục có thể cho người ta tri thức và bằng cấp nhưng không hoặc rất ít làm thay đổi được cá tính, tính cách.
Trình độ văn hóa, văn minh là sản phẩm tích lũy của một tiến trình lâu dài phải tính bằng nhiều năm, thậm chí nhiều đời. Do vậy đừng quá kỳ vọng vào vài năm du học.
Tôi thấy rõ cái gốc cho sự thay đổi vẫn là giáo dục trong nước ngay khi ở các bậc mầm non, tiểu học, phổ thông. Ở độ tuổi đó, những giá trị quan đã hình thành, những thói quen sinh hoạt đã ăn sâu vào tiềm thức.
Ở Việt Nam bây giờ, giáo dục gia đình vẫn có vai trò rất quan trọng hình thành nhân cách của trẻ nhỏ. Tiếc là giáo dục trong gia đình không được coi trọng và dường như chúng ta cũng đánh mất một việc quan trọng này.
Quan điểm người Nhật rất đúng, họ so sánh việc hình thành nhân cách con người giống như xây dựng một ngôi nhà, rằng nền móng là phần quan trọng nhất, bạn có thể thay đổi nội thất, sơn mới, nhưng nền móng thì không bao giờ có thể thay đổi, và giai đoạn 0-6 tuổi, chính là giai đoạn lý tưởng nhất hình thành nhân cách con người.
Ở độ tuổi nhỏ của trẻ, cha mẹ phải biết hi sinh thời gian, thậm chí 1 phần sự nghiệp của bản thân để giáo dục con cái. Tất nhiên, hi sinh không phải hùng hục kiếm tiền chỉ để đem lại điều kiện vật chất mà phải cân đối giữa đời sống vật chất với tinh thần, giáo dục. Cha mẹ phải học cách giáo dục con cái, và thậm chí là bạn bè của con.
Từng người Việt Nam, từng gia đình Việt Nam ta muốn được lành mạnh và phát triển, phải tùy thuộc chặt chẽ vào sự thánh thiện và đạo đức của gia đình. Một gia đình bình an trong khó nghèo, một gia đình hành thiện âm đức trong lao động, một gia đình yêu thương trong khiêm nhượng, một gia đình thánh thiện trong đơn sơ. Tất cả hạnh phúc của một đời người đều tùy thuộc vào gia đình của họ.
Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con trẻ, gia đình là trường học đầu tiên, nỗ lực sẽ đem lại hiệu quả, chứ chờ đợi vào chính sách hay những người làm chính sách thì quá ư thụ động.
Việc xây dựng các kĩ năng nền tảng rất cần thiết cho mỗi em bé ngay từ những năm tháng đầu đời. “Dạy con từ thuở còn thơ” là câu nói của ông cha ta truyền lại bao đời nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa mà câu nói này hàm chứa vẫn còn.
Trẻ nhỏ được xem như 1 cuốn vở và trong cuốn vở đó có rất nhiều trang giấy trắng, nhiệm vụ của mỗi người lớn là viết lên trang giấy trắng đó cũng như việc dạy cho trẻ biết về mọi thứ xung quanh mình, trách nhiệm của người dạy trở nên thận trọng, lớn lao hơn. 1 trang giấy trắng sẽ rất đẹp nếu không có bất kì vết nghệch ngoạc trên đó hoặc sẽ trở nên dơ bẩn, xấu đi là tùy vào cách người viết. Trẻ nhỏ cũng thế, trẻ sẽ trở thành người có ích cho xã hội hoặc trở thành người tệ nạn của xã hội cũng là tùy vào cách người dạy. Với tình hình xã hội ta hiện nay, cách “hi sinh đời bố, củng cố đời con” Uốn cây từ thuở còn non là vô cùng cần thiết, nhất là với những gia đình trẻ này là cách làm đúng nghĩa tốt nhất có hi vọng đem lại sự thay đổi lớn lao cho xã hội và đất nước.
Lê Nhân Nghĩa
Bài về chủ đề Trẻ em: