➥ Bìa sách: “Cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!”, tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên
Tôi chưa gặp Lê Bùi Thảo Nguyên ngoài đời thực. Trên không gian mạng, tôi chỉ biết đến một cô gái tên Cỏ với những bài viết ngắn rất chất và một đồng nghiệp trẻ đang băn khoăn định hướng đời mình. Tôi đồng thời vừa muốn Nguyên tiếp tục đi và viết nhưng cũng lại muốn em tiếp tục con đường chuyên môn ở một chuyên khoa sâu trong bệnh viện. Nhưng Nguyên quyết liệt hơn tôi trong chọn lựa của mình. Hoặc giả, em không đủ độ lì cần thiết để tiếp tục đối mặt với những nỗi đau, những mất mát, những góc khuất trong nghề và cả những bất lực của y khoa trước cái sắc lạnh của lưỡi hái tử thần. Không ai biết được. Kể cả Nguyên.
Điều tôi âu lo cuối cùng cũng đến. Nguyên nghỉ việc ở một bệnh viện Phụ Sản lớn nhất nhì miền Nam để theo đuổi ước mơ của mình, hay nói khác hơn là đi tìm “một cái khuôn khác, méo mó cũng được, miễn là được chế tác cho riêng mình” (Thờ ơ). Thực tình thì thời điểm Nguyên thôi việc, tôi cũng có chút thất vọng và tiếc nuối nhưng tôi vẫn tin là mỗi người phải tìm cho riêng mình một lối đi và dấn thân theo lối mở đó. Tôi đã chờ đợi và không phải chờ đợi lâu khi Nguyên và Alpha books gửi tôi cuốn bản thảo “Tôi cần một cái khuôn khác”.
Tập sách tròn trịa với 250 trang, sáu phần và 51 tản văn là một lời tự sự của một cô gái trẻ về những đổ vỡ trong tình yêu, những giằng xé trong chuyện nghề, những kỷ niệm đầy ắp cảm xúc từ những chuyến đi xa đến gần như mọi miền dải đất hình chữ S này. Nhưng trên tất cả, đó là cả một quá trình đi tìm bản thể của mình, một quá trình đã được khởi hoạt từ rất lâu trước khi những băn khoăn mơ hồ nhất cựa quậy trong trái tim háo hức vào đời của tác giả. Cô gái trẻ đã phải như con lắc dao động liên tục giữa bổn phận làm “một người bình thường” và những tiếng gọi sâu thẳm bên trong, lúc nhỏ nhẹ, lúc dữ dội. Những tiếng gọi muốn được là chính mình, được sống thật với mình, được làm điều mình muốn làm miễn điều đó không ảnh hưởng xấu đến người khác. Đòi hỏi đó có vẻ rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Rất nhiều người đã sống cuộc đời của người khác để cuối cùng rơi nước mắt ân hận vì đã phũ phàng với chính mình. Cũng không ít người không đủ dũng khí để dẫn lái cuộc đời mình mà yên phận nghe theo sự sắp đặt từ bên ngoài để không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho những thành bại chưa biết khi nào xảy ra. Nền giáo dục của chúng ta dường như ít chú trọng đến tinh thần trách nhiệm đối với chính cá nhân. Nguyên thuộc một thế hệ khác, trẻ hơn, tự chủ hơn, sống trong một xã hội cởi mở hơn nơi có nhiều người dám khích lệ tính độc lập cá nhân hơn. Tựa đề của cuốn sách “Tôi cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được” đã gói gọn tinh thần của 250 trang viết. Và sau khi gấp cuốn sách lại, có lẽ nhiều người cũng đồng ý với tác giả rằng, không ai khác ngoài chính mình là người phải chế tác cái khuôn cuộc đời cho mình.
Tập sách được chia một cách có chủ đích và khéo léo thành sáu phần chính “Cỏ”, “Những bước đi đầu tiên”, “Dích dắc”, “Góc khuất”, “Ngả rẽ” và “Sải cánh đến mặt trời” theo dòng chuyển biến tâm trạng và độ trưởng thành trong định hướng cuộc đời của chính tác giả. Tác giả cũng đã cố ý xen kẽ một cách đều đặn một tản văn về môi trường bệnh viện với một tản văn về những chuyến đi. Cách sắp xếp ấy vừa có dụng ý cho người đọc thấy được sự dao động quả lắc của tâm thế tác giả, vừa làm giảm những nặng nề từ những câu chuyện, những nhát cắt màu xám ở nơi sinh tử gặp nhau. Tuy nhiên, sự sắp xếp đều đặn ấy e cũng lại cũng tạo ra cho người đọc một cái khuôn đã được biết trước làm mất đi phần nào cái đẹp đột khởi xuất hiện sau từng khúc cua trên trang viết của tác giả.
Những trang viết về bệnh viện, về chuyện nghề đối với tôi, một người đã lăn lộn đúng hai mươi năm, chưa đủ độ bạo liệt, chưa đẩy đến cao trào của những khổ đau và hạnh phúc, những hy vọng và tuyệt vọng, những góc khuất tăm tối và ánh sáng từ tâm của nghề Y. Nhưng tôi không thể đòi hỏi hơn với một đồng nghiệp cả tuổi đời lẫn tuổi nghề còn rất trẻ. Nhưng những trang viết đó vẫn đủ để độc giả thấy được nghề Y chưa bao giờ là một nghề dễ dàng cả về cơ bắp, trí não lẫn tâm hồn. Nguyên đã chọn không tiếp tục nữa, không phải vì cái không dễ dàng về cơ bắp và trí não. Nhưng trải nghiệm ngắn ngủi ấy là một phần không thể thiếu trong hành trình đi tìm chính mình của tác giả. Nguyên đã để lại bệnh viện phía sau lưng và hành trang mang theo là tình người vẫn ấm áp nơi đó: “Đêm cuối cùng trực ở bệnh viện, các anh chị tặng tôi một đôi giày để “đi cho khỏe”, không quên dặn rằng, bất cứ khi nào muốn quay lại, nơi đây đều có một chỗ cho tôi” (Con đường phía trước).
Lần theo những bước chân có thể nói là rất lang bạt và đôi khi bạt mạng của Cỏ, người đọc sẽ có được một góc nhìn khác về phong trào đi phượt vốn đang bắt đầu có nhiều điều tiếng hiện nay. “Người ta vẫn tìm đến Hà Giang vì Mã Pì Lèng, vì Nho Quế hay vì tam giác mạch, còn tôi, hết lần này đến lần khác, trở về Hà Giang chỉ để tìm chính bản thân mình, đã lỡ đánh rơi đâu đó trên những con đèo lởm chởm đá đen” (Phải lòng miền đá). Không khó để thấy rằng Lê Bùi Thảo Nguyên chụp phong cảnh rất đẹp. Nhưng mục đích của những chuyến đi ấy không phải chỉ để selfie tự sướng, để check-in khoe trên mạng xã hội, chỉ để làm đầy kho ảnh kỷ niệm cá nhân, mặc dù những điều ấy không hề xấu. Những chuyến đi, hay những hành trình trở về của Cỏ được dẫn dắt bởi những điều không lấp lánh qua ống kính máy ảnh: “Từ lần đầu tiên ấy, Hà Giang đã chạm vào những góc sâu kín nhất trong tâm hồn tôi. Những đôi chân trần nứt toác trên đá tai mèo đã vô tình lạc bước vào lòng tôi, nghiễm nhiên ngự trị” (Phải lòng miền đá). Đó là những bước đầu tiên trong hành trình đi tìm bản thể.
Đọc những trang viết của tác giả về những miền đất rất xa Sài Gòn, cái tôi tâm đắt nhất không phải là những đoạn văn miêu tả, dù được viết rất có duyên, mà là cái cảm xúc sau đó, như tác giả tâm sự “đến cuối cùng, người ta sẽ quên hết. Thứ còn đọng lại sẽ chỉ là những cảm xúc mà thôi”(Quy Nhơn nồng ấm). Cái cảm xúc ấy còn len lỏi đến tận giấc mơ “những bông lúa vẫn lạo xạo dưới tay, và nhịp chày vẫn đều đều trên màu xanh cốm mới” (Cao Phạ Mùa cốm mới).
Xin chúc mừng Cỏ đã ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên này. Một đứa bé xinh xắn! Và đây cũng chỉ là những bước đầu tiên trên hành trình, chưa hẳn đã đi về hướng mặt trời, mà là đi tìm một cái khuôn cho chính mình. Cái khuôn đó có thể tồn tại hoặc không bao giờ hiện hữu. Hoặc giả nếu thực sự có một cái khuôn như vậy, Cỏ có thể tìm được hoặc sẽ không bao giờ tìm thấy. Điều quan trọng nhất là ta kiên định bước đi.
Lê Minh Khôi
Bài bàn về giới trẻ: