Nước Mỹ phí gì đâu...

Bài diễn văn thể hiện, có những lúc cô giáo đã gần như bất lực, rồi họ đã vui sướng ra sao khi thấy nó gật đầu, lắc đầu, nói từng tiếng, nói thành câu và trở thành một thành viên không thể thiếu của lớp. Cô cảm ơn Chúa đã mang nó đến cho cô, thử thách cô để cô có được niềm vui khi nhìn hạt giống mình gieo trồng trở thành một bông hoa đẹp... Bạn Lê Trí đã nhắc tôi một chi tiết vô cùng quan trọng mà tôi quên đề cập: chuyện chăm lo cho trẻ em học hành trên đất Mỹ là trách nhiệm của chính phủ, cha mẹ không phải tốn một đồng. Souce: fb.com/thinhtran1970/posts/2308027049425616 Xe bus trường học

Bỏ lại tất cả sau lưng, tôi rời Việt Nam đến Mỹ định cư khi tuổi đời không còn trẻ nữa. Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan” mà sự “khởi đầu” muộn màng ấy lại đến với mình từ một vùng đất mới hoàn toàn xa lạ (tập quán, ngôn ngữ, pháp luật...) thì lại càng bội phần khó khăn nhưng vì tương lai con trẻ, tôi đành chấp nhận dấn thân.

Được sự trợ giúp của người thân và bạn bè, gia đình tôi bắt đầu lại cuộc sống mới từ con số không tròn trĩnh (phải tập ăn, tập nói, tập đi, tập đứng...) mà việc đầu tiên phải gấp rút hoàn thành là lo chuyện nhập học cho ba thằng con.

Thằng đầu vào học lớp 11 một cách suôn sẻ. Thằng giữa thì đã 11 tuổi nhưng học bạ từ Việt Nam đem sang chỉ thể hiện nó học đến lớp 2, mình trình bày với nhà trường là mình tự dạy nó ở nhà chương trình lớp 3 và lớp 4, sau khi cho giáo viên test lại trình độ, họ đồng ý cho nó vào học thẳng lớp 5, đồng thời thông báo trước nếu học sinh không theo kịp về ngôn ngữ thì ngoài giờ học chính thức, họ sẽ cho xe chở cháu đến một trường khác học ESL (English as a Second Language còn được gọi là chương trình dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai). Rất may điều đó không xảy ra vì cháu theo kịp bạn bè. Cũng xin được nói thêm, ở Mỹ phụ huynh có thể tự dạy con mình học ở nhà (home school) và họ được chính phủ trợ cấp lại khoản tiền mà chính phủ phải chi trả cho mỗi học sinh đến trường.

Chuyện học hành của hai thằng lớn đơn giản bao nhiêu thì tới thằng út lại nhức đầu bấy nhiêu. Số là mình cho thằng út vào học thẳng Kindergarten (lớp học để chuẩn bị vào lớp 1, lớp học này nằm chung trong trường tiểu học chứ không phải ở trường mẫu giáo như bên Việt Nam). Thằng nhỏ lúc đó không biết một chữ tiếng Anh, lại lần đầu tiếp xúc với những người Mỹ xa lạ nên sợ hãi, cáu gắt, khóc lóc liên tục trong 5, 6 tháng trời. Cô giáo phụ trách lớp và cô giáo ESL ân cần hết mực, xoay sở đủ điều để cháu nguôi ngoai nhưng tình hình cứ mỗi ngày một tệ hơn. Cô giáo đành mời cô hiệu trưởng, phụ mình tìm hướng giải quyết cho ca khó này nhưng cô hiệu trưởng vừa tiếp xúc “say Hi” thì cu cậu lại càng khóc dữ hơn, họ xoay sang nhờ sự hỗ trợ từ tình nguyện viên người Việt Nam vẫn không xong. Trường đã tính đến phương án nhờ bác sĩ tâm lý và cho vào trường đặc biệt khi nào hoà nhập được thì trở lại trường (mỗi sáng họ sẽ cho xe đến nhà đón và chiều chở về, trên xe ngoài tài xế còn có nhân viên của trường đi theo để lo cho những học sinh đặc biệt đó, đến trường thì một giáo viên với những kỹ năng đặc biệt sẽ dạy một hoặc vài học sinh).

Nước Mỹ phí gì đâu...
Chuyện hội nhập khó khăn của cậu út. Ảnh do tác giả cung cấp

Thực sự khi nghe con mình phải cần đến sự trợ giúp của bác sỹ tâm lý và có khả năng phải vào học ở trường đặc biệt, vợ chồng tôi đã rất tủi thân, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ mà nước mắt cứ vòng quanh. Đã có lúc, tôi nghĩ quẩn: “Mình sang đây làm gì để khổ mình, khổ con đến như vậy...”, chứ thú thật, lúc ấy, tôi không thấy được đó là sự tận tâm hết mực của nhà trường dành cho học sinh của mình.

Khó khăn như vậy nhưng cô giáo dạy nó vẫn không chịu bỏ cuộc, cô kiên trì chứng minh cho nó thấy cô và các bạn là những người thân và lớp học là tổ ấm yêu thương của nó, mỗi xu hướng tích cực của nó luôn được cô khen ngợi, động viên và tặng những món đồ chơi nho nhỏ.

Rồi đến một ngày (có lẽ khoảng chừng 5 tháng sau ngày nhập học) khi thằng con đầu của mình đến trường đón em thì cô giáo ESL nói: hôm nay cô giáo của em mày đã khóc đó. Sợ em mình lại gây ra cớ sự gì nữa, thằng anh hỏi rõ lý do thì mới biết: cô giáo đã khóc vì mừng khi lần đầu tiên nghe nó hát một bài hát bằng tiếng Anh. Trải qua bao nhọc nhằn, vất vả cuối cùng cô giáo đã giúp cháu thấy được niềm vui khi đi học.

Ngày tổng kết cuối năm của toàn trường, ngoài những học sinh xuất sắc, cô hiệu trưởng đã tặng cho nó huy chương (vượt lên chính mình) và đọc một bài diễn văn dài do chính cô giáo dạy nó, viết về quá trình hoà nhập của nó.

Bài diễn văn thể hiện, có những lúc cô giáo đã gần như bất lực, rồi họ đã vui sướng ra sao khi thấy nó gật đầu, lắc đầu, nói từng tiếng, nói thành câu và trở thành một thành viên không thể thiếu của lớp. Cô cảm ơn Chúa đã mang nó đến cho cô, thử thách cô để cô có được niềm vui khi nhìn hạt giống mình gieo trồng trở thành một bông hoa đẹp.

P/S: Bạn Lê Trí đã nhắc tôi một chi tiết vô cùng quan trọng mà tôi quên đề cập: chuyện chăm lo cho trẻ em học hành trên đất Mỹ là trách nhiệm của chính phủ, cha mẹ không phải tốn một đồng.

Nhiều khi thấy những chuyến xe bus to đùng đến tận nhà để đón đưa một vài học sinh (cần học thêm những môn còn yếu trong khoảng thời gian nghỉ hè) mình cứ nghĩ: nước Mỹ... phí gì đâu...

Xe bus trường học
Xe bus trường học

Trần Thịnh

Bài bàn về giáo dục:

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ