Tôi dù sao cũng chỉ mới sống ở Mỹ hơn 10 năm (và cũng chỉ ở riết bang Washington ở tận góc Tây Bắc) nên mỗi khi viết điều gì khen nước Mỹ, tôi hồi hộp và rất cám ơn khi có các anh chị sống ở đây lâu hơn tôi gấp 2, 3, 4 lần phản hồi rằng tôi nhận xét đúng, thậm chí còn dẫn chứng thêm giúp tôi nữa.
Tôi càng cám ơn hơn khi có các anh chị ở Âu hay cả ở Úc cũng phản hồi rằng điều tôi nhận xét về nước Mỹ cũng đúng với các nước họ đang sống. Điều đó có nghĩa là những nước phương Tây văn minh tiến bộ hiện đang dẫn đầu thế giới, họ có quan niệm giống nhau về những “giá trị”, nhất là những giá trị Nhân Bản. Và điều đó phải chăng nói lên rằng chính những giá trị Nhân Bản đó làm cho dân họ giàu, nước họ mạnh.
Tại sao họ có được điều đó? Là nhờ giáo dục! Đó là những giá trị họ đạt tới qua nhiều thế kỷ nỗ lực suy ngẫm, kể cả học hỏi những sai lầm lịch sử, và họ biết trao truyền lại cho các thế hệ sau, nhất là qua nhà trường, ngay từ tấm bé.
Nhớ có lần đến trường đón con về, con bé nhà tôi, năm đó lớp 4, kể tôi nghe một chuyện vừa xảy ra trong lớp. Một lớp tiểu học bên này khoảng 25 - 30 em. Lớp được chia thành 5 hay 6 tổ, mỗi tổ 5 em.
Hồi ở Việt Nam tôi đã từng đọc trong sách nên qua đây tôi càng để tâm quan sát, và tôi nhận ra, quả đúng rằng điều quan trọng hàng đầu mà các nhà trường Mỹ mong muốn dạy học sinh, không phải để tụi nhỏ học thật giỏi, kiến thức thật nhiều, điểm thật cao (về 'chấm điểm' bài tập, tôi sẽ nói trong một dịp khác, rất đặc biệt).
Không. Điều hàng đầu với họ, là đào tạo ra một thế hệ mới:
☘️ biết cách cộng tác làm việc chung với nhau sao cho hiệu quả nhất; nhất là làm việc chung trong nhóm nhỏ, chẳng cần đứa nào là 'thủ lãnh' sất, hay đúng hơn mỗi đứa đều là thủ lãnh của chính mình và của nhóm.
☘️ và hơn nữa, biết đón nhận nhau bất chấp những khác biệt, và biết sống chung với nhau cho thật tử tế.
Nền giáo dục đề cao sự cộng tác và tử tế với nhau này, càng đặc biệt có ý nghĩa nếu chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ là đất nước đa chủng tộc, đa văn hóa. Bạn vào bất cứ lớp học nào cũng có thể gặp đủ mọi màu da, sắc tộc, gốc gác. Một em bé da vàng nhỏ con tính tình khá trầm lặng và tỉ mỉ; một em da đen dẻo dai khéo léo hiếu động rất mau mắn khi phát biểu hoặc bày tỏ cảm xúc; một em da trắng tóc vàng mắt xanh, khỏe mạnh, đĩnh đạc, luôn toát ra vẻ 'độc lập', 'trở nên chính là mình' không cần phải sợ ai xét nét cả.
Tôi thiết nghĩ đó chính là một điểm đặc trưng trong “triết lý giáo dục” của họ, của phương Tây. Và chính điều đó khiến các quốc gia này mau mắn trở nên thịnh vượng, an ninh và tiến bộ.
Câu chuyện con bé kể tôi nghe giản dị thôi. Một tổ trong lớp nó có một bạn bị chứng 'chậm hiểu'. Lúc làm bài tập và tới giờ nộp bài, bạn ấy làm không kịp. Bạn ấy giơ tay xin nói. Bạn ấy than phiền rằng 4 bạn kia trong tổ đã không chậm rãi kiên nhẫn để giúp đỡ bạn ấy. Mạnh đứa nào đứa nấy đã làm bài cho nhanh rồi nộp. Bạn ấy nói rằng như vậy là bất công, là không tốt (không... 'tử tế').
Cả lớp im lặng cảm thông. Cô giáo cũng im lặng cảm thông, một hồi, cô hỏi hỏi 4 bạn còn lại trong tổ: “Bây giờ các em sẽ làm gì?”. Bốn em kia đứng dậy hối lỗi, nắm tay vỗ vai, nói lời very sorry với bạn mình. Bốn em tình nguyện không ra chơi, ở lại lớp giúp đỡ bạn này hoàn tất bài tập.
Câu chuyện nhỏ nhưng nói lên nhiều điều.
Xin hãy thử đọc nhận xét dưới đây của một người bạn sống lâu ở Mỹ hơn tôi nhiều. Bạn ấy mới còm cho tôi hôm qua trong bài tôi nói về nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ họ như vầy đâu. Mà là do từ giáo dục. Mà là do từ “triết lý giáo dục” của phương Tây và của nước Mỹ:
“Đạo đức, sự lương thiện, tử tế... được người Mỹ coi trọng hơn nhiều. Anh không có bằng cấp hay tiền bạc, của cải, cũng không ai coi thường anh, nhưng chỉ cần anh nói láo, không lương thiện hoặc thiếu sự tử tế, khi bị phát hiện, người Mỹ sẽ khinh anh ngay.”
Gió
Bài về nhân tâm, lý tưởng: