Trong một bài viết tối hôm qua, bàn về bài điếu văn mà cô Meghan McCain dành cho người cha quá cố của mình - Thượng nghị sĩ John McCain, tôi nhận được khá nhiều ý kiến cùng chiều và trái chiều. Điều này cũng giống như một tuần qua khi theo dõi dư luận Mỹ, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về di sản của ông.
Thượng nghị sĩ Susan Collins, thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện cho Maine, nói: “We are losing someone who really, no matter who was the president, believed in the Senate’s role in checks and balances. He truly was a giant in the Senate, a towering figure and someone who really made a difference not just on policy, but in asserting the Senate’s constitutional role.” (tạm dịch: “Chúng ta đang mất đi một người mà, bất chấp ai làm tổng thống đất nước này, đã thực sự đặt niềm tin vào vai trò giám sát và cân đối của Hạ Viện Hoa Kỳ. Ông thật là một nhân vật lớn lao của Hạ Viện, một hình mẫu vươn cao và là người đã thực sự tạo ra được sự khác biệt không chỉ ở chính sách, mà còn khẳng định vai trò lập pháp của Hạ Viện.”)
Bà khẳng định: “Những con sư tử đã ra đi. Những con sư tử của Thượng Viện Hoa Kỳ đã ra đi. Thật đáng buồn.”
Tờ The Economist thì dành nguyên trang bài cáo phó viết về John McCain, trong đó mở đầu bằng: “Mỗi inch trên cơ thể của John McCain gào thét lên sức bền bỉ. Dáng đi nhịp nhàng sôi động, những cánh tay vung lên kiên quyết, đôi vai vững chắc và nụ cười đanh thép, tất cả đều đóng dấu ấn Việt Nam như một vết sẹo gây đau đớn. Cánh tay ông cử động cứng nhắc vì chúng bị gãy ngay khi ông rơi xuống trong chiếc oanh tạc cơ của mình, rồi sau đó bị trói giật khuỷu tay bằng dây thừng ở trong tù mỗi ngày. Được thả ra khỏi “khách sạn Hilton ở Hà Nội”, sau năm năm rưỡi bị tra tấn và biệt giam, ông không còn có thể cầm lược để chải đầu. Tóc của ông cũng chuyển thành bạc phơ mặc dù ông mới chỉ ở độ tuổi 30. Ông bước đi khệnh khạng vì đầu gối bị thương tật đã không còn nhiều sụn ở trong đó nữa. Nhưng tất cả những điều đó đã không ngăn được ông leo núi hàng dặm xuyên qua hẻm núi Grand Canyon và những ngọn đồi sa mạc ở bang Arizona, nơi mảnh đất đẹp đến ngỡ ngàng của nước Mỹ mà ông làm đại diện ở Quốc Hội trong hơn 30 năm. Tấm ngực của ông căng phồng lên niềm tự hào nơi những điều mà ông cảm nhận mình đã đạt được ở đó.”
Còn tờ Foreign Policy thì khẳng định: “John McCain Was Always There for America” (tạm dịch “John McCain luôn hiện diện sẵn sàng cho nước Mỹ”) với nhiều bài chia sẻ từ đồng nghiệp và đối thủ của ông, trong đó có ý kiến đáng chú ý của Ben Sasse, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đại diện cho Nebraska: “Quốc gia của chúng ta khao khát những người nói thật. Con người này sẽ được nhớ đến rất nhiều.”
Ngày hôm nay (2/9) theo giờ Mỹ, linh cữu của John McCain sẽ được đưa đi chôn cất tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Lễ tang của McCain có cả các thành viên của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, có cả ba đời tổng thống của nước Mỹ cũng thuộc lưỡng Đảng tham dự (Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama). Chỉ có Tổng thống đương nhiệm Donald Trump là không được mời. Linh cữu của ông được đặt trên bục gỗ từng được sử dụng để đỡ quan tài tổng thống Abraham Lincoln năm 1865, tại khu Mái vòm của Đồi Capitol. Chỉ có 31 người Mỹ được hưởng vinh dự này trong 166 năm qua. Điều gì khiến ông đã nhận được nhiều lời cầu nguyện, sự ngưỡng mộ và yêu thương như thế?
Có người bạn trong status trước của tôi nói rằng McCain không tốt, khi chết mà còn để bụng, gây chia rẽ “sâu sắc” nước Mỹ. Tôi không đồng ý như thế. McCain từng mạnh mẽ ủng hộ Bush và Obama tấn công Iraq và Afghanistan, từng yêu cầu gửi thêm khí giới hạng nặng đến Ukraine và muốn bỏ bom Iran. Ông rất cứng rắn trong quan điểm bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Nhưng ông đã rất lịch sự và có thái độ đúng khi tôn trọng đối thủ Obama sau thất bại tại cuộc bầu cử năm 2008. Ngược lại, ông chống Donald Trump đến cùng trong nhiều chính sách của ông này khiến nước Mỹ bị tổn thương về mặt lợi ích. Ông chống lại Đảng Cộng hòa khi bảo vệ luật sức khỏe cộng đồng của Obama, vì nhận thức điều đó có lợi cho dân chúng Arizona. Và ông ghét cay ghét đắng Vladimir Putin, đặc biệt khi có nghi ngờ Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.
Tôi không nghĩ ông còn để lại sự thù ghét Donald Trump sau khi chết, với quyết định không mời ông này đến dự tang lễ của mình. Tôi nghĩ McCain là một người rạch ròi và độc lập trong quan điểm chính trị và phong cách sống. Ông muốn làm chính trị ngay cả sau khi chết, vì thái độ của Trump đối với cái chết của ông cũng không đẹp đẽ gì. Trump tỏ ra mình hẹp hòi, đến nỗi suýt hủy nghi thức tang lễ cấp quốc gia đối với McCain, từ chối hạ cờ ở Nhà Trắng, cho đến khi hội cựu chiến binh Mỹ lên tiếng. Rõ ràng là cái chết của McCain một phần nào lôi ra bản chất con người của Donald Trump. Và McCain muốn dân Mỹ thấy điều đó.
McCain được chôn trùng vào dịp ngày quốc khánh của Việt Nam, không biết đó có phải là một cái duyên? Cuộc đời ông chứng thực quan điểm chính trị độc lập, tôn trọng sự thật và cống hiến hoàn toàn cho lợi ích quốc gia, mà không nghiêng quá nhiều về Đảng phái - dù ông là một nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Tôi chỉ mong những người Việt Nam, dù ở bên thắng cuộc hay bên thua cuộc trong chiến tranh, thì hãy nhìn vào cuộc đời của McCain và tôn trọng sự thật trong quá khứ cũng như hiện tại của lịch sử. Tôi thấy có những người Việt Nam ở cả hai phía, cố hết sức và bất chấp tất cả chỉ để nói cho được và bênh vực lý lẽ của mình, dù sự thật đang đứng về phía bên kia. Và cũng có những người biết tôn trọng và nhận ra sai lầm.
Như nước Mỹ của John McCain, đất nước Việt Nam này của chúng ta sẽ chỉ lớn lên, phát triển và trở nên vĩ đại nếu tất cả chúng ta biết tôn trọng sự thật, làm chính trị, chứ không phải tà trị. Những người dân hãy dám nói thẳng với nhau và với chính quyền về sự thật mà họ cảm thấy. Những người lính hãy biết nhận ra cuộc đời và máu của họ nên được để dành hy sinh cho quốc gia. Những gia đình biết nuôi dạy và hướng dẫn con cái nhận biết và sống tình yêu và chân lý thực sự để trở thành công dân tốt. Những nghị sĩ hay người Việt Nam ở nước ngoài hãy cất tiếng bảo vệ lợi ích của chính quê hương của mình, chống lại bất cứ lợi ích phe nhóm Đảng phái hay đế quốc nào gây hại cho dân tộc của mình. Có như thế, Việt Nam mới trở nên vĩ đại, chứ không hèn hạ, ti tiện và ngu dốt như hiện nay trước Trung Quốc và các nước lớn khác.
Tôi xin sử dụng đoạn clip của NewYork Times về cuộc đời của McCain để tạm kết status này. Rất mong nhận được nhiều ý kiến của mọi người.
Nguyen Dat An
Nguồn tham khảo:
https://www.nytimes.com/2018/08/25/us/politics/john-mccain.html
https://www.nytimes.com/2018/08/25/obituaries/john-mccain-dead.html
https://www.economist.com/obituary/2018/08/30/obituary-john-mccain
https://foreignpolicy.com/2018/08/26/john-mccain-was-always-there-for-america/
Bài về chủ đề gương sống: