Gần đây cả nhà đều than mệt, đau nhức người, sụt sịt viêm họng. Không biết có phải bệnh thời tiết hay do nằm máy điều hóa quá nhiều?
Bạn mến,
Một người trưởng thành có 2 mét vuông da bao bọc toàn thân với khoảng 20.000 lỗ chân lông chỉ tính riêng vùng mặt. Nhà nhân chủng học Adolf Schulz phát hiện ở người và các loài linh trưởng có số lượng nang lông, tóc như nhau, vào khoảng 300/cm2. Trên ngực, mật độ nang lông nhỏ nhất, chỉ một nang/cm2. Tính mật độ nang lông trung bình thì trên cơ thể người có 5 triệu lỗ nang lông, tóc! Có quá nhiều cái cửa tí hon “thông thống” trên tấm-áo-da của chúng ta, phải không bạn?
Những cái lỗ trên da ấy chia làm 2 loại:
• Lỗ chân lông chính là các nang lông, mỗi lỗ chân lông chứa một tuyến bã nhờn sản xuất ra dầu, cũng thường là nơi đọng lại các bụi bặm, mỹ phẩm. Lỗ chân lông có thể giãn rộng ra hoặc thu nhỏ vào. Hơi nóng có thể làm loãng phần dầu bên trong các lỗ chân lông và nước lạnh có thể làm thu nhỏ lỗ chân lông.
• Các lỗ mồ hôi thường rất nhỏ, ước tính tổng số các tuyến mồ hôi ở người vào khoảng 3.000.000 cái.
Máy lạnh nếu dùng sai cách thì chẳng khác nào một cái “máy thổi ra bệnh” qua các luồng “gió nhân tạo” của nó.
Vào những ngày thời tiết nóng nực, cơ thể đang có mồ hôi mà ngồi ngay trước máy điều hòa không khí thì rất dễ nhiễm bệnh. Khi cơ thể ra mồ hôi, lỗ chân lông và lỗ thoát mồ hôi sẽ mở rộng, đúng lúc đó, gió lạnh từ máy thổi vào người nhanh chóng thâm nhập vào cơ thể thông qua những lỗ này, cơ thể dễ dàng bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp, đau nhức mình mẩy, viêm khớp và các chứng bệnh khác. Đặc biệt, ở lâu trong phòng lạnh hơn 4 giờ rất có khả năng bị viêm xoang do không khí lạnh làm xơ cứng các tuyến nhầy. Đồng thời khiến da bị mất nước, khô ráp, giảm sức đề kháng, dễ bị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt dù bôi kem dưỡng da thường xuyên. Bạn nên đặt một bình nước ở trong phòng để cung cấp độ ẩm vừa phải cho căn phòng.
Bước vào nhà, người nóng toát mồ hôi, đừng bật quạt mạnh hoặc ngồi máy lạnh ngay. Tốt nhất nên duy trì thêm ở môi trường bình thường khoảng mươi phút để các lỗ chân lông “co” lại, sau đó mới vào phòng máy lạnh (chỉ nên bật điều hòa khoảng 26 độ C). Cũng không nên uống nước đá để... giải khát tức thì, mà nên chậm rãi uống 1 cốc nước trà âm ấm.
"Theo Đông y, khi quá nóng, nam giới không nên tháo bỏ thắt lưng còn phụ nữ không nên để gió thổi lùa vào “khu vực ngã ba” rất dễ khiến cho cơ thể bị bệnh tật tấn công từ “cửa sau”.
Khoa học đã ví von các ion âm như là vitamin trong không khí, rất có ích cho sức khỏe. Theo tính toán, mỗi xentimét khối không khí trong phòng có 50 ion âm nhưng khi sử dụng máy lạnh thì chỉ còn chừng 10 ion âm. Thiếu nó, người ta dễ rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật, có nguy cơ mắc “hội chứng nhà kín” với các triệu chứng nhức đầu, uể oải, khó thở, dễ kích ứng. Khu vực nào mật độ ion âm 2000 ~ 20000/cm3 (rừng núi, vườn cây, bờ biển) cho chúng ta một cảm giác không khí ở đây thật trong lành, sạch sẽ, dễ chịu.
Khi “chạy” máy lạnh, thường phải đóng kín cửa gây nên tình trạng thừa thán khí dễ khiến cảm giác ngột ngạt, khó thở, là nguy cơ gây nên các bệnh lý hô hấp. Nghiên cứu của Trung tâm y tế bang Louisiana, Mỹ, tìm thấy 8 loại nấm mốc trong 22/25 căn phòng thí nghiệm dùng điều hòa. Vì vậy cần quan tâm đến việc thông gió, mỗi ngày nên mở cửa trong một khoảng thời gian nhất định để không khí trong phòng được lưu thông, thay cũ đổi mới. Trong khi chạy máy, nên bật quạt thông gió. Chú ý vệ sinh máy định kỳ, đảm bảo điều hòa luôn sạch sẽ và chạy đúng công suất. Thường xuyên lau dọn phòng sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Dùng máy lạnh đúng cách để các thành viên trong gia đình sinh hoạt thoải mái và tránh bị mắc các “bệnh nhà giàu”, bạn nhé!
Ths. Bs. Nguyễn Lan Hải
Bài về chủ đề Y tế-Sức khoẻ: