“Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi
Kẻo mai Chúa mở khoa thi
Bảng vàng kia sẽ đỗ đề tên anh...
... Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau.”
Đấy là bài ca dao tôi được học năm lớp 6, niên học 1971-72. Sách giáo khoa bình rằng nội dung bài thơ dân gian này “ca tụng đức tính hy sinh đảm đang của phụ nữ Việt”.
Bài ca dao cứ ám ảnh tôi làm tôi vẫn thuộc đến tận giờ, sau gần nửa thế kỷ. Bị ám ảnh, bởi cảm thấy có gì đó sai sai.
Tuổi thiếu niên, tôi chứng kiến không biết bao lần những dịp tết nhất giỗ chạp, cánh phụ nữ quần quật dưới bếp từ sáng sớm đến tối mịt, có khi liền mấy ngày trước và sau tiệc họp mặt gia tộc. Trong khi đó thì cánh đàn ông ngồi vắt chân chữ ngũ thuốc lá phì phèo, chờ cơm bưng tận nơi bia dâng tận miệng, luyên thuyên om sòm toàn chuyện đại sự quốc gia!
Bài ca dao đó sai rồi! Vô cùng tầm bậy! Một trong những điều hủ bại nhất trong truyền thống Nho giáo (thứ Nho giáo đã bị lệch lạc và bại hoại). Nó làm khổ và làm hỏng cả phái nữ lẫn phái nam.
Chưa hết, lan rộng ra, về hậu quả xã hội, nó tạo ra một hệ thống chính quyền mà vua chúa quan lại quen thói ăn trên ngồi trốc, cho mình cái đặc quyền làm cha thiên hạ (dân chi phụ mẫu), toàn chỉ tay năm ngón ra lệnh chứ không biêt sắn tay áo đồng cam cộng khổ với đồng bào.
Nó tạo ra cái thói chính trị lưu manh, coi trọng bằng cấp chức tước, chạy chọt tham nhũng, một người làm quan trăm họ được nhờ (ít nhất cũng nhờ được cái sự “nở mày nở mặt” vì trong nhà có cậu quý tử “đỗ đạt thành tài”).
Bài ca dao đó có lẽ không còn được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông của Việt Nam nữa. (Thật may phước!). Cái tục xấu “chồng chúa vợ tôi” trọng nam khinh nữ chắc cũng đã giảm nhiều trong xã hội Việt. (Lại may phước!)
Nhưng cái học đặt quá nặng vào sự đỗ đạt, vào “thi đua thành tích”, vào chuyện tạo ra những con “gà nòi trí thức” mà rốt cuộc vô dụng, chẳng những ăn hại mà còn phá nát vì xem mình như tầng lớp ưu tú có quyền võng lọng cân đai “lãnh đạo toàn diện” cả cộng đồng... thì cái đó e vẫn còn!
Những ngày đầu năm học mới, tôi hướng lòng về thế hệ niên thiếu ở Việt Nam, hướng lòng về các bậc phụ huynh... bài ca dao trên (chắc đã hàng trăm năm ngấm vào máu Việt) lại làm tôi thao thức! Bao giờ nó được gạn lọc?
Các bậc cha mẹ Việt Nam, mong sao chúng ta dám “làm cách mạng” trước hết ngay chính trong suy nghĩ của mình, ngay chính trong gia đình mình, ngay chính từ sự dạy dỗ giáo dục con cái mình! Một cuộc cách mạng tuy âm thầm nhưng chắc chắn chỉ mươi, mười lăm năm sau sẽ thấy ngay kết quả!
Gió