(tặng Q. và các bạn học sinh giỏi văn thuở TMH học cấp 2 cấp 3)
Sáu, bảy tuổi đánh chiếc quần đùi nâu dày cộp như mo nang, khoác chiếc áo gụ sờn đứt khuy xộch xệch, đầu trọc lóc bình vôi, cỡi trên con nghé vừa đến tuổi tập cày, tôi theo cha mẹ ra đồng học sống. Cuốn vở đầu đời của tôi là cánh đồng làng và người thầy là mẹ cha lam lũ. Mẹ là cô giáo dạy văn đầu tiên của tôi.
Những lời hát ru tràn đầy lục bát của mẹ nuôi thế giới tinh thần tôi lớn lên một cách vô thức. Thơ có mặt ở khắp nơi mẹ đưa tôi đến. Hồn ca dao hồng hào phù sa, nhễ nhại đất cát, xanh biền biệt cỏ chân đê bao bọc tôi như ánh mắt mẹ hiện thân trong ánh trăng sao, nắng gió. Từ mồ hôi, nước mắt thông qua bùn lầy nước đọng, qua chân lấm tay bùn, qua nỗi buồn của bầu trời mùa đông mây xám... bằng tình yêu, mẹ đã tinh lọc nên dòng sữa vật chất và tinh thần nuôi tôi, cho tôi một đôi mắt biết mở to, biết ngạc nhiên về tất cả mọi điều trên mặt đất, dù điều đó đôi khi có vẻ nhàm chán và ù lỳ, lạnh lùng và vô cảm. Cái lõi của văn là sống, học văn trước hết phải học sống. Một đứa trẻ nhà quê như tôi, từng làm nghề cu trâu trước khi học chữ, sáu tuổi đã cầm chiếc rổ mau vạt tép theo mẹ ra đồng học cách bắt từng con tôm con tép, học cách lừa con cá con tôm bằng mồi câu thì sự sống quả là một cái nghề dữ dội. Dù đến nay đã hơn năm mươi tuổi, tôi vẫn chỉ là đứa học trò vỡ lòng của người thầy cuộc sống.
Con trâu, xá cày, cây lúa, vạt cỏ, con mương, con đom đóm, chim chuột, cây cối, trời xanh, bùn đất... tất cả đều là những người thầy của tôi, dạy cho tôi biết cuộc đời là kỳ lạ, vừa nghiêm chỉnh vừa hài hước, vừa thiêng liêng vừa dung tục, hút đôi mắt trẻ thơ của tôi vào như ma ám. Tôi kinh ngạc đến vu vơ vì sao con ốc lại đi bằng lưỡi, con đom đóm lại toả sáng ở đằng đít, tôm tép lại đi ngược : đuôi trước, đầu sau và con rùa đi đâu cũng mang nhà theo... Dường như trong mỗi hình ảnh của tạo vật đều chứa một triết lý siêu nhiên, một hồn trời quyến rũ.
Những ấn tượng, những ám ảnh của thế giới tự nhiên xâm chiếm hồn tôi, tan biến trong những giấc mơ hư thực của tôi, sương khói hoá cái nhìn búng ra sữa của cậu bé tinh quái rình bắt ve mỗi mùa hè đến. Tâm hồn tôi hoá thành hang cho chú dế cuộc đời đến trọ và gáy lên những tiếng gáy dị thường của mơ mộng. Và vầng trăng lang thang hoá thành chiếc mũ của tuổi thơ tôi còn đội mãi đến bây giờ. Bước khởi nguồn của hành trình học văn của tôi mà người thầy đầu tiên ngoài cha mẹ, làng xóm còn là giun dế là trời mây, sông bể...
Tôi học chữ cũng như học sống. Chữ lúc đầu vụn gẫy, chổng chơ như chà chuôm, như rơm rác, như cây bị bão đổ rạp, rồi túc tắc, lổm ngổm, chữ bò như cua, ngoằn ngoèo, loăng quăng giun dế trên vở học loang lổ mực tím của tôi. Nhiều bữa tôi cưỡi cả trâu đi học. Rồi chữ ngoáy như chim bay, cá lượn đưa tôi đi cùng trời cuối đất trong một thế giới mà tưởng tượng là sân chơi của hồn tôi. Chữ chân thật, gần gũi lại xa vời, kỳ diệu như bà Tiên, như ông Bụt, chắp cho thằng oắt con cu trâu tinh nghịch nhất làng đôi cánh Thiên Thần có khả năng bay lên thám hiểm cả thiên đường và địa ngục. Tôi biết đọc, ham đọc nhưng không có sách. Giá mà hồi đó tôi vớ được cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” hoặc được gặp bác Tôn Ngộ Không và anh Trư Bát Giới...
Những cuốn sách đầu đời của tôi là Kinh Thánh, truyện các thánh, sách kinh và hàng tập báo cũ của tờ báo “Đa Minh bán nguyệt”, một tờ báo của địa phận Bùi Chu thời trước năm 1945. Gia đình tôi theo đạo Chúa nên ảnh hưởng của tinh thần văn chương Kinh Thánh thấm vào tôi như mưa thấm vào mái rạ. Cuốn diễn ca bằng lục bát đầu đời tôi đọc và thuộc là cuốn “Truyện Thánh A-lê-xù” với những câu mở đầu ngô nghê như sau: “Thuở xưa người nước Rô- ma/ Con nhà sang trọng tên là O - Phê.” Cuốn sách đầu tiên của chế độ mới tôi được đọc là cuốn sách phổ biến khoa học thường thức của nhà xuất bản Phổ Thông hình như có tên là “Trái đất và hệ mặt trời”. Đêm ấy, bầu trời làng tôi đầy sao. Tôi nhìn lên hàng vạn tinh tú, há hốc mồm kinh ngạc vì hoá ra, các ngôi sao kia từ nay không phải là những con đom đóm của Chúa Trời nữa mà là những hành tinh còn lớn hơn trái đất...
Tôi bắt đầu học văn trong sách báo. Ở một làng quê Công giáo hẻo lánh như quê tôi, thật không dễ dàng mượn được cuốn sách để đọc. Mắc cái bệnh mê đọc sách, tôi đọc nghiến ngấu tất cả những gì vớ được. Đến nỗi, vì nhà đôi khi hết dầu hoả thắp đèn, có đêm, tôi leo lên mái bể nước ngoài sân, nhờ ánh trăng rằm đọc sách, bị bố đánh cho một trận vì sợ sau này thằng con mù mắt. Mê sách quá đến nỗi, xin lỗi, có những lần, tôi đã ăn cắp sách hoặc mượn sách của ai đó rồi lờ đi không trả. Cái câu ăn cắp sách không có tội thực ra là một lời dối trá. Nhắc lại chuyện không hay ho này của mình để thấy rằng các bạn trẻ ngày nay so với thế hệ tôi thật hạnh phúc, vì xung quanh các bạn cả một thế giới sách bao phủ. Rồi chiến tranh với bom đạn, sốt rét, đói khát… là trường học đời lính của tôi.
Tôi đã học sống, giờ tôi cần học cách hy sinh. Cái chết là một nỗi gì ghê gớm, vừa rất cụ thể, vừa rất siêu hình, đã dạy tôi điều không một sách vở nào có thể dạy được... Tóm lại, cho đến bây giờ, tóc đã bạc, tôi vẫn là kẻ cắp sách đến trường đời học văn và nghề văn, như ngày xưa tôi từng rình xem con cò đứng một chân mà ngủ, phục con cò sát đất để rồi không sao học được cách đi một chân trên mặt đất...
(Trích bài “Mở đầu” cuốn – Văn học-Phê bình-Nhận diện (Hầu chuyện các giáo sư) của T.M.H., Nxb Văn Học – Hà Nội 1999).
Trần Mạnh Hảo
Bài về chủ đề Tản văn, Hồi ký:
Sáu, bảy tuổi đánh chiếc quần đùi nâu dày cộp như mo nang, khoác chiếc áo gụ sờn đứt khuy xộch xệch, đầu trọc lóc bình vôi, cỡi trên con nghé vừa đến tuổi tập cày, tôi theo cha mẹ ra đồng học sống. Cuốn vở đầu đời của tôi là cánh đồng làng và người thầy là mẹ cha lam lũ. Mẹ là cô giáo dạy văn đầu tiên của tôi.
Những lời hát ru tràn đầy lục bát của mẹ nuôi thế giới tinh thần tôi lớn lên một cách vô thức. Thơ có mặt ở khắp nơi mẹ đưa tôi đến. Hồn ca dao hồng hào phù sa, nhễ nhại đất cát, xanh biền biệt cỏ chân đê bao bọc tôi như ánh mắt mẹ hiện thân trong ánh trăng sao, nắng gió. Từ mồ hôi, nước mắt thông qua bùn lầy nước đọng, qua chân lấm tay bùn, qua nỗi buồn của bầu trời mùa đông mây xám... bằng tình yêu, mẹ đã tinh lọc nên dòng sữa vật chất và tinh thần nuôi tôi, cho tôi một đôi mắt biết mở to, biết ngạc nhiên về tất cả mọi điều trên mặt đất, dù điều đó đôi khi có vẻ nhàm chán và ù lỳ, lạnh lùng và vô cảm. Cái lõi của văn là sống, học văn trước hết phải học sống. Một đứa trẻ nhà quê như tôi, từng làm nghề cu trâu trước khi học chữ, sáu tuổi đã cầm chiếc rổ mau vạt tép theo mẹ ra đồng học cách bắt từng con tôm con tép, học cách lừa con cá con tôm bằng mồi câu thì sự sống quả là một cái nghề dữ dội. Dù đến nay đã hơn năm mươi tuổi, tôi vẫn chỉ là đứa học trò vỡ lòng của người thầy cuộc sống.
Con trâu, xá cày, cây lúa, vạt cỏ, con mương, con đom đóm, chim chuột, cây cối, trời xanh, bùn đất... tất cả đều là những người thầy của tôi, dạy cho tôi biết cuộc đời là kỳ lạ, vừa nghiêm chỉnh vừa hài hước, vừa thiêng liêng vừa dung tục, hút đôi mắt trẻ thơ của tôi vào như ma ám. Tôi kinh ngạc đến vu vơ vì sao con ốc lại đi bằng lưỡi, con đom đóm lại toả sáng ở đằng đít, tôm tép lại đi ngược : đuôi trước, đầu sau và con rùa đi đâu cũng mang nhà theo... Dường như trong mỗi hình ảnh của tạo vật đều chứa một triết lý siêu nhiên, một hồn trời quyến rũ.
Những ấn tượng, những ám ảnh của thế giới tự nhiên xâm chiếm hồn tôi, tan biến trong những giấc mơ hư thực của tôi, sương khói hoá cái nhìn búng ra sữa của cậu bé tinh quái rình bắt ve mỗi mùa hè đến. Tâm hồn tôi hoá thành hang cho chú dế cuộc đời đến trọ và gáy lên những tiếng gáy dị thường của mơ mộng. Và vầng trăng lang thang hoá thành chiếc mũ của tuổi thơ tôi còn đội mãi đến bây giờ. Bước khởi nguồn của hành trình học văn của tôi mà người thầy đầu tiên ngoài cha mẹ, làng xóm còn là giun dế là trời mây, sông bể...
➥ Tác giả chụp chung với các bạn học Lớp 7 thời cấp 2 Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Nam Định năm 1963
Tôi học chữ cũng như học sống. Chữ lúc đầu vụn gẫy, chổng chơ như chà chuôm, như rơm rác, như cây bị bão đổ rạp, rồi túc tắc, lổm ngổm, chữ bò như cua, ngoằn ngoèo, loăng quăng giun dế trên vở học loang lổ mực tím của tôi. Nhiều bữa tôi cưỡi cả trâu đi học. Rồi chữ ngoáy như chim bay, cá lượn đưa tôi đi cùng trời cuối đất trong một thế giới mà tưởng tượng là sân chơi của hồn tôi. Chữ chân thật, gần gũi lại xa vời, kỳ diệu như bà Tiên, như ông Bụt, chắp cho thằng oắt con cu trâu tinh nghịch nhất làng đôi cánh Thiên Thần có khả năng bay lên thám hiểm cả thiên đường và địa ngục. Tôi biết đọc, ham đọc nhưng không có sách. Giá mà hồi đó tôi vớ được cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” hoặc được gặp bác Tôn Ngộ Không và anh Trư Bát Giới...
Những cuốn sách đầu đời của tôi là Kinh Thánh, truyện các thánh, sách kinh và hàng tập báo cũ của tờ báo “Đa Minh bán nguyệt”, một tờ báo của địa phận Bùi Chu thời trước năm 1945. Gia đình tôi theo đạo Chúa nên ảnh hưởng của tinh thần văn chương Kinh Thánh thấm vào tôi như mưa thấm vào mái rạ. Cuốn diễn ca bằng lục bát đầu đời tôi đọc và thuộc là cuốn “Truyện Thánh A-lê-xù” với những câu mở đầu ngô nghê như sau: “Thuở xưa người nước Rô- ma/ Con nhà sang trọng tên là O - Phê.” Cuốn sách đầu tiên của chế độ mới tôi được đọc là cuốn sách phổ biến khoa học thường thức của nhà xuất bản Phổ Thông hình như có tên là “Trái đất và hệ mặt trời”. Đêm ấy, bầu trời làng tôi đầy sao. Tôi nhìn lên hàng vạn tinh tú, há hốc mồm kinh ngạc vì hoá ra, các ngôi sao kia từ nay không phải là những con đom đóm của Chúa Trời nữa mà là những hành tinh còn lớn hơn trái đất...
Tôi bắt đầu học văn trong sách báo. Ở một làng quê Công giáo hẻo lánh như quê tôi, thật không dễ dàng mượn được cuốn sách để đọc. Mắc cái bệnh mê đọc sách, tôi đọc nghiến ngấu tất cả những gì vớ được. Đến nỗi, vì nhà đôi khi hết dầu hoả thắp đèn, có đêm, tôi leo lên mái bể nước ngoài sân, nhờ ánh trăng rằm đọc sách, bị bố đánh cho một trận vì sợ sau này thằng con mù mắt. Mê sách quá đến nỗi, xin lỗi, có những lần, tôi đã ăn cắp sách hoặc mượn sách của ai đó rồi lờ đi không trả. Cái câu ăn cắp sách không có tội thực ra là một lời dối trá. Nhắc lại chuyện không hay ho này của mình để thấy rằng các bạn trẻ ngày nay so với thế hệ tôi thật hạnh phúc, vì xung quanh các bạn cả một thế giới sách bao phủ. Rồi chiến tranh với bom đạn, sốt rét, đói khát… là trường học đời lính của tôi.
Tôi đã học sống, giờ tôi cần học cách hy sinh. Cái chết là một nỗi gì ghê gớm, vừa rất cụ thể, vừa rất siêu hình, đã dạy tôi điều không một sách vở nào có thể dạy được... Tóm lại, cho đến bây giờ, tóc đã bạc, tôi vẫn là kẻ cắp sách đến trường đời học văn và nghề văn, như ngày xưa tôi từng rình xem con cò đứng một chân mà ngủ, phục con cò sát đất để rồi không sao học được cách đi một chân trên mặt đất...
(Trích bài “Mở đầu” cuốn – Văn học-Phê bình-Nhận diện (Hầu chuyện các giáo sư) của T.M.H., Nxb Văn Học – Hà Nội 1999).
Trần Mạnh Hảo
Bài về chủ đề Tản văn, Hồi ký: