Đối với những người Việt Nam trẻ tuổi hiện nay, Thái Phỉ – Nguyễn Đức Phong (1903–?) dường như là một cái tên xa lạ. Ngay cả đối với tôi, một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục cũng lần đầu tiên biết đến ông khi đọc tác phẩm “Một nền giáo dục Việt Nam mới” này. Thật là một điều đáng hổ thẹn.
Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà tôi mạnh dạn cho rằng, nếu như đã biết đến ông rồi, đã đọc những gì ông viết về giáo dục rồi thì người ta chắc chắn sẽ khó quên ông.
Thái Phỉ là nhân vật hoạt động sôi nổi và sống trong giai đoạn lịch sử đầy bão táp. Trong giai đoạn lịch sử dân tộc đi vào khúc cua hiểm trở, bằng sự nhạy bén đặc biệt, ông đã quan tâm sâu sắc đến giáo dục. Ông viết về giáo dục trên báo và viết cả sách. Tác phẩm “Một nền giáo dục Việt Nam mới” đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Đây là tác phẩm, như chính ông tâm sự, sẽ là “một kế hoạch cải cách nền giáo dục Việt Nam”, một bản kế hoạch được viết ra “dựa vào những điều nhận xét cùng kinh nghiệm có được trong hai chục năm giời, vừa nhờ nghề dạy học, vừa nhờ nghề làm báo, vừa nhờ những cuộc du hành ở hầu khắp các nơi thành thị và thôn quê, suốt từ Bắc vô Nam”.
Khi đọc tác phẩm này của ông, điều khiến tôi ngạc nhiên và thú vị là cho dù tác phẩm không có dung lượng lớn và chủ yếu mới chỉ dừng ở mức trình bày ý tưởng chứ chưa có phân tích cụ thể dựa trên các số liêu thống kê hay tư liệu, nó đã đặt ra, đề cập đến những vấn đề cốt yếu nhất của giáo dục, những vấn đề mà ngay ở thời điểm hiện tại, khi tôi đang viết những dòng này, vẫn đang làm đau đầu những người ưu tư với nền giáo dục nước nhà.
Chẳng hạn, trong khi nhiều người ngày nay còn đang lúng túng trong việc lý giải triết lý giáo dục là gì, giáo dục cóquan hệ như thế nào với xã hội thì ngay khi đó trong phần “Mấy lời trung cáo thay lời tựa” ông đã mạnh bạo khẳng định “nói đến sự cải cách nền giáo dục Việt Nam hiện thời tức là tính đến chuyện làm lại cả cái xã hội Việt Nam”. Cụ thể hơn ông đặt ra câu hỏi “Nhưng cải cách thế nào cho nền giáo dục mới sẽ hợp với các nhu cầu của xã hội tương lai, một xã hội sắp sửa xây đắp trên một nền tảng mới sau khi đã kết liễu cái cuộc tàn sát hiện đang diễn ra rất dữ dội ở hầu khắp thế giới kia?”. Theo tôi, đấy là một cái nhìn rất trúng và rất đúng về hàm ý thứ nhất của triết lý giáo dục tức là hình ảnh xã hội tương lai mà nền giáo dục mới phải tạo ra.
Tôi viết “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” (Công ty Cổ phần Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam và NXB Tri Thức, 2017) trước khi được đọc “Một nền giáo dục Việt Nam mới” của Thái Phỉ. Trong cuốn sách của mình, tôi đưa ra định nghĩa về triết lý giáo dục bao gồm hai bộ phận là hình ảnh xã hội tương lai và hình ảnh con người mơ ước. Vì thế sự trùng hợp tình cờ giữa ý tưởng của tôi và ý tưởng của Thái Phỉ khiến tôi kinh ngạc. Trong tác phẩm này Thái Phỉ đã dành hẳn hai chương để phác thảo về “xã hội Việt Nam mai sau” và “Một người mới của xã hội Việt Nam mai sau”. Tất nhiên, một kẻ học trò hậu sinh kiến văn kém cỏi như tôi không dám có ý so sánh đứng ngang với ông, chỉ là ở đây, sự gặp gỡ của ý tưởng khiến tôi kinh ngạc vì ông nói điều đó vào thời điểm cách ngày nay đến gần 80 năm.
“Một nền giáo dục Việt Nam mới” có dung lượng không lớn nhưng nó thể hiện sự logic cao về tư duy. Trên cơ sở xem xét giáo dục từ xưa đến nay và nhất là hiện trạng thanh thiếu nhiên, Thái Phỉ đã lần tìm lại xem các cuộc cải cách giáo dục đã được thực thi như thế nào, từ đó phác thảo ra “một xã hội Việt Nam mai sau” cùng con “người mới của xã hội Việt Nam” từ đó đề ra “kế hoạch tạo nênngười Việt Nam mới”. Trong kế hoạch này, ông đặc biệt ưu tiên đến “phụ nữ giáo dục”.
Trong khi xét lại lịch sử giáo dục nước nhà, cũng như nhiều trí thức sống vào đầu thế kỉ XX và chứng kiến sức mạnh của văn minh phương Tây, Thái Phỉ phê phán mạnh mẽ thói học tầm chương trích cú kiểu Nho giáo. Ông chỉ rõ nền giáo dục kiểu Tống Nho đã tạo ra “một hàng… nhà nho trí thức hẹp hòi và câu nệ, chỉ còng lưng cúi đầu làm nô lệ cái văn hóa Trung Quốc, chỉ tôn trọng tuyệt đối cái gì mà thánh hiền đã dạy ở kinh truyện”. Đối với nền giáo dục Pháp thuộc, tuy công nhận một số đóng góp nhất định của nền giáo dục này trong việc truyền bá, định hình một nền giáo dục mới Thái Phỉ vẫn chỉ ra nhược điểm lớn nhất của nó là chỉ đào tạo ra các viên chức phục vụ việc cai trị và đây là nền giáo dục thiếu nguyên lý. Theo ông cái “nguyên lý bất di bất dịch” ấy là “rèn đúc thiếu niên thành những người có đủ lực lượng về vật chất và tinh thần để tự mưu lấy một cuộc sống độc lập”.
Thái Phỉ cũng quan tâm đặc biệt đến giáo dục gia đình và ông cay đắng cho rằng “Nói đến sự giáo dục trong gia đình ở nước mình thì lại càng đáng chán lắm. Tôi có thể nói rằng ở nước Việt Nam này, gia đình giáo dục hầu như không có gì cả”. Cụ thể hơn, Thái Phỉ chỉ ra tình trạng thiếu hiểu biết và thiếu tinh thần trách nhiệm ở phụ huynh nước Việt: “Những bậc cha mẹ ở nước mình đẻ con thì muốn cho nhiều mà dạy con thì thật cẩu thả và biếng nhác. Những ông bố, hoặc là nhà kinh doanh, hoặc là người tòng sự các sở công, sở tư, suốt ngày tháng đầu tắt mặt tối về sự mưu sinh. Có lúc nào rảnh rang thì tức là phải dành nó cho các cuộc tiêu khiển như bài bạc hát xướng mà các ông cho là mình có quyền được hưởng sau khi làm việc vất vả để nuôi sống cả gia đình. Như vậy, các ông còn thời gian đâu mà săn sóc đến con cái một cách chu đáo nữa”. Ông cũng chỉ ra những sai lầm của phụ huynh nước Việt ở những thái cực khác như cố gắng nhồi nhét cho con kiến thức quá mứchoặc là dùng roi vọt. Những nhà có của, có quyền thế thì lại phó mặc chuyện dạy con cho đầy tớ…
Giáo dục nhà trường, gia đình đã vậy, còn giáo dục xã hội thì sao? Đây là nhận định của Thái Phỉ về xã hội đương thời với những tác động xấu đến thanh thiếu niên: “Các ngài thử giở một tờ báo hàng ngày ra mà xem. Những gương tốt rất hiếm. Còn những vụ lừa đảo, lường gạt, cướp của, giết người, thông gian, hiếp dâm thì dễ thường không ngày nào là không có. Chẳng những thuật sơ sơ những vụ ấy mà thôi, người ta còn vẽ rắn thêm chân vào, người ta phóng đại nó ra, người ta tả chân cả cái tục tĩu bẩn thỉu nữa. Những người tự nhận là “hướng đạo quốc dân” ấy để ý đến sự chiều độc giả để thu lợi cho nhiều hơn là sự giáo dục thiếu niên”. Theo ông, sự hỗn loạn trong văn hóa, trong cư xử và phong trào “vui vẻ trẻ trung” đương thời đậm sắc màu nhục dục và hưởng thụ đã làm hư hỏng thanh thiếu niên khiến họ rơi vào con đường trụy lạc.
Tất cả những điểm yếu trong giáo dục gia đình, xã hội ấy đã tạo nên các thanh thiếu niên Việt nam suy nhược cả về thể chất và tinh thần.
Trước khi đi vào trình bày những dự định cải cách để giải phóng thanh thiếu niên khỏi con đường trụy lạc, Thái Phỉ đã điểm lại những gì “người ta đã cải cách”. Nhận xét của ông về công cuộc cải cách giáo dục ấy hay và chính xác đến giật mình “…người ta chỉ làm những việc cải cách bề mặt mà không hề chạm đến cái nguyên lý của sự giáo dục”.
Từ những phân tích nói trên, Thái Phỉ đã phác thảo về xã hội tương lai mà ông gọi là “một xã hội Việt Nam mai sau”. Ở đây, ông chưa dừng lại phân tích sâu chỉ phác qua trong đó nhấn mạnh nét nổi bất nhất là xã hội Việt Nam tương lai phải là “xã hội kỹ nghệ”, nơi coi trọng trí óc và sáng tạo. Bởi vì theo ông “Một nước chẳng chế tạo được cái gì cho ra tuồng, nhất nhất cái gì cũng phải mua của ngoài, nhỏ nhặt như cái ngòi viết, cái kim khâu, to lớn như những máy móc, thì thiên vạn cổ chỉ làm nô lệ người ta về đường kinh tế mà thôi. Đã đã không được độc lập về kinh tế thì còn nói chi đến độc lập về chính trị nữa!”.
Để có được xã hội đó phải có những người Việt Nam mới. Đó là những người về thể chất phải “khỏe” và “sạch”, về tinh thần thì “yêu đời”, “vui vẻ”, “hoạt động”, “có tinh thần độc lập”, “có óc khoa học”, “có óc thực tế”, “trọng kỷ luật và trật tự”, “có tinh thần gia tộc”, “ý thức quốc gia”, có “lý tưởng để mà phụng sự”, “biết tránh sự xa hoa và sự phụ nhược”, “sống một cuộc đời thật giản dị” và có “trí làm lớn và gan dạ”.
Kế hoạch cải cách giáo dục được Thái Phỉ phác ra ở hai chương cuối cùng của cuốn sách. Ông cho rằng nền giáo dục sẽ bao gồm hai bộ phận chính là “quần chúng giáo dục, tức là phổ thông giáo dục” và “thượng lưu giáo dục”, trong “quần chúng giáo dục” lại phân thành “hương thôn giáo dục” và “thành thị giáo dục”. Đối với từng bộ phận giáo dục ông đều chỉ ra các biện pháp cần phải thực hiện. Cũng trong phần này ông còn trình bày các ý tưởng về “chương trình học” về “những trường mẫu giáo”, “chỉ huy nền thể dục” và các “phương tiện phụ” khác.
Tuy nhiên, rất tiếc ở phần này ông không trình bày được cụ thể và có hệ thống các biện pháp cải cách giáo dục. Có thể một phần là do chế độ kiểm duyệt tàn bạo của chính quyền thực dân đương thời. Hầu như trang nào trong tác phẩm của ông cũng có dấu vết của kiểm duyệt phải cắt bỏ. Điều đó hiển nhiên cũng nói lên tinh thần dân tộc và sự mạnh bạo trong tư duy của ông.
Ở chương cuối cùng có tên “Phụ nữ giáo dục” ông viết về vai trò của phụ nữ trong giáo dục. Ông cho rằng nếu như phụ nữ không tích cực tham gia vào giáo dục thì sự nghiệp giáo dục sẽ không thể thành công vì “Hai phần tử quan trọng trong xã hội, nếu không đi cùng một nhịp mà cứ một đằng tu bổ, một đằng phá hoại, không khác gì chuyện con bò co đi, con bò kéo lại, thì kết quả sẽ chẳng ra gì”. Ông không né tránh, e ngại khi phân tích thói ỷ lại cùng những thói hư tật xấu của phụ nữ đặc biệt là “các bạn gái ở bậc trung lưu… hay nói thẳng ngay là các bà và các cô tiểu trưởng giả”, từ đó vạch ra những việc cần làm để họ thoát ra khỏi tình trạng hiện tại.
Thái Phỉ viết “Một nền giáo dục Việt Nam mới” cách thời điểm chúng ta đang sống hôm nay đã gần 80 năm. Nhưng, nếu như ai có tấm lòng với đất nước và ưu tư với nền giáo dục nước nhà chắc hẳn cũng sẽ vẫn còn xúc động khi đọc lại tác phẩm của ông. Cho dù chế độ kiểm duyệt của thực dân ngặt nghèo, cho dù sự phân tích còn thiếu thốn, những ý tưởng cải cách và logic tư duy về triết lý giáo dục về mối quan hệ giữa giáo dục và xã hội của ông vẫn không khỏi khiến chúng ta kinh ngạc. Dường như ông, bằng tấm lòng nhiệt huyết của mình, đã nhìn xuyên qua được sự hỗn độn của thời thế để thấy được những gì chính yếu nhất và cần thiết nhất cho dân tộc Việt Nam. Tiếc thay, thời cuộc khi ấy khắc nghiệt và đầy những rủi ro. Ông đã mất tích trong khi xã hội Việt Nam đang bước vào bước ngoặt lịch sử quan trọng. Đấy là một điều vô cùng đáng tiếc và gợi nhiều thương cảm. Nhưng tôi tin rằng, cho dẫu vậy, tư tưởng về giáo dục của ông sẽ vẫn còn đủ sức mạnh để lay động độc giả thời nay.
Và có lẽ, đây cũng là một trong những lý do chính thúc đẩy Công ty Cổ phần Sách và Công nghệ Giáo dục Việt Nam (Eduking) tái bản lại “Một nền giáo dục Việt Nam mới”. Tôi rất trân trọng và vinh dự khi được mời viết đôi lời về tác phẩm này.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2018
Nguyễn Quốc Vương
Bài về giáo dục: