Tuần trước, các nhà khoa học trên thế giới đã sử dụng thuật ngữ “hiệu ứng nhà hấp nóng” để cảnh báo những hiệu quả hồi tiếp của hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đẩy Trái Đất vào tình trạng này, mà con người khó có thể thoát khỏi sự luẩn quẩn này, thậm chí dù chúng ta có cắt giảm khí thải CO2. Vậy việc chuyển từ “hiệu ứng nhà kính” sang “hiệu ứng nhà hấp nóng” sẽ đáng sợ như thế nào?
Từ thế kỷ XIX, con người đã hiểu rõ cơ chế mà các chất khí tồn tại trong bầu khí quyển có thể làm cho hành tinh nóng lên. Năm 1867, nhà địa chất học Thomas Sterry Hunt đã ghi chú rằng mật độ khí CO2 cao trong thời kỳ lịch sử ban đầu của Trái Đất đã tạo ra loại khí hậu giống hệt như khi chúng ta “che kín Trái Đất bằng một vòng kính rộng lớn, biến nó thành một nhà kính trồng hoa lan chẳng hạn”. Và thế là thuật ngữ “hiệu ứng nhà kính” ra đời từ năm 1907.
Nhưng một “căn nhà hấp nóng” thì nghe có vẻ gay gắt hơn. Từ thế kỷ XVI, nhà hấp nóng (hothouse) được người ta gọi để chỉ nhà tắm hoặc nhà thổ, hoặc là một căn phòng được hun nóng để làm khô vải lanh, và sau đó, là một căn nhà kính được gia nhiệt để trồng trọt các giống cây ngoại lai, mà về mặt ẩn dụ mở rộng, chỉ một môi trường mà ở đó, bất cứ thứ gì (bao gồm cả tâm trí) đều bành trướng cực kỳ nhanh chóng. Sản phẩm của môi trường này thường được cho là cực kỳ mong manh, nếu không muốn nói là mang tính bệnh hoạn. Mùa hè này, chúng ta đã gần như ở trong tình trạng của những bông hoa khô héo ở trong căn nhà hấp hơi, và có thể chẳng có cách nào đập vỡ tấm kính để thoát ra cả.
Nguyen Dat An