Thế kỷ 20, thế giới điên khùng tớn lên trong cơn mê tín khoa học. Chất lý tính kiểu đàn ông của văn minh Hy La và Âu Châu ra như sẽ giải quyết được mọi sự. Đỉnh cao lý tính là máy móc đạn bom và chủ thuyết Cộng Sản. Giáo Hội Kitô cũng đang cơn cứng còng còng với cơ chế, lề luật và tu đức từ Công Đồng Trentô tk 16. Năm 1917, Đức Mẹ hiện ra với 3 bé thiếu nhi. Một trong ba sứ điệp để cứu thế giới là lần hạt Mân Côi.
Việt Nam 1527, chiến tranh Lê Mạc. Rồi loạn lạc phân ly mãi đến bây giờ. Rất có thể, nguyên nhân ngấm ngầm là đánh mất tinh thần nữ tính dân dã Bách Việt và cái hồn dịu hiền tâm linh Phật Giáo, vì đã nhiễm nặng chất nam tính cứng cỏi giáo điều Tống Nho, thứ Nho Giáo “sa đọa” (lm Kim Định) tk 11. Cụ Bùi Giáng : “Mẹ về đứng ở đầu sân, tần ngần mẹ bước, vô ngần mẹ đi”. Không, mẹ không đi. Mẹ đến, với dân tộc khổ nạn này, ở Lavang 1798.
Nam tính khôn ngoan sắc sảo làm ra được rất nhiều điều. Nhưng để sống cho an bình, sâu sắc, tròn đầy, phải là nữ tính và trẻ thơ. Cả ngàn năm, cư dân Bách Việt sống với lúa xanh, sông dài, trời cao, đất rộng, như người Mẹ Thượng Thiên, Mẹ Thượng Ngàn, Mẹ Thoải, Mẹ Liễu. Phật Giáo đến đây. Đấng Giác Ngộ được gọi là “Ông Bụt” hiền hòa từ ái mà Osho nói là nhiều nữ tính. Còn Quán Thế Âm biến thành đàn bà, thành người mẹ, nâng niu bao bọc chúng sinh.
Kitô giáo gọi Thiên Chúa là Cha. Nhưng Thiên Chúa lại nằm sâu trong cung lòng và tâm tưởng người đàn bà.
Dòng Giảng, trên nguyên tắc phải rất trí thức, nhưng đời cầu nguyện lại là thầm thầm lặng lặng tụng Kinh Mân Côi. Bất cứ ai sống đời tâm linh, đều phải có tâm hồn đơn thành sâu lắng không lý luận, như đàn bà. Tâm “đại lão bà bà”.
Nên đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, lại càng minh chứng cho “chân lý” rằng, chỉ có người đàn bà hay đúng hơn, tâm “đại lão bà bà” mới là chiến thắng tối hậu. Con của Mẹ đã phục sinh trọn vẹn, nhưng dù sao, Con của Mẹ cũng là Thiên Chúa. Một con người “nguyên chất” đầu tiên, tham dự trọn vẹn vào phục sinh, là Mẹ, “người nữ tỳ hèn mọn”.
(Nhân đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).
Không Sơn
Bài viết, suy niệm liên quan đến Lm. Giuse Đặng Chí San, op.: