Đôi khi chúng ta thấy nhiều người kêu ca rằng mình cô đơn. Thực ra cô đơn là một từ văn chương mỹ miều và sang trọng, dân dã hơn người ta hay than phiền về cái nỗi “buồn chán” đeo đẳng. Điều này thường gặp hơn ở những người đã đến tuổi hưu trí. Khi đến ngày cầm sổ hưu, họ sốc. Đến ngày cuối tuần, con cái không về thăm họ vì một việc bận bất thường nào đó, họ sốc. Và họ buồn hàng ngày. Họ trách con cháu vì thiếu quan tâm đến họ. Họ bảo chỉ có hai ông bà già thùi thũi đi ra đi vô trong một căn nhà vắng lặng. Tôi nghĩ nhiều về điều này. Tại sao những người già lại hay cô đơn? Khi đã về già và lúc còn trẻ có khác gì nhau? Họ bảo tôi không hiểu được đâu vì tôi còn trẻ, chừng nào tôi già như họ thì tôi mới thấy thấm.
Những người già cô đơn, khi còn trẻ, có lẽ họ cũng không có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống. Họ vui khi trẻ, vì lúc đó họ có một công việc để làm nơi công sở và một cộng đồng người vây xung quanh để trò chuyện và giao tiếp. Suy cho cùng, đó là những người luôn cần có cộng đồng. Và thú vui duy nhất của họ là được trò chuyện, đối với phụ nữ thì dùng một từ lóng thô giản hơn là buôn dưa lê. Họ buôn dưa lê ở sở làm, quán cà phê, trên điện thoại, trên mạng, qua Facebook hoặc Yahoo Messenger. Đàn ông cũng buôn dưa lê, nhưng chủ yếu ở các quán nhậu, quán cà phê sáng hay quán cóc vỉa hè. Chả thế mà đâu có quốc gia nào bắt gặp những quán nhậu mà ở đó đàn ông nói chuyện ầm ào như chợ vỡ từ sáng muộn cho tới chập chiều, từ chiều muộn cho tới tối đêm.
Ngoài thú vui trò chuyện ra, những người già cô đơn khi còn trẻ không có mấy mối bận tâm nào khác. Họ không thích đi du lịch, khám phá mạo hiểm, đọc sách hoặc viết lách, nghe nhạc hoặc chơi vài loại nhạc cụ nào đó, thăm phòng tranh hoặc vẽ tranh, xem các trò thể thao hoặc chơi thể thao, chơi cờ, khiêu vũ, xem phim, trồng trọt, nuôi thú cảnh, làm đồ thủ công, may vá thêu thùa, sưu tập tem-tiền cổ-xe máy-đĩa hát-đèn dầu… Khi những người già (hay kêu) cô đơn được hỏi, không một hạng mục nào vừa kể trên nằm trong sở thích của họ, chứ đừng nói là đam mê. Họ cũng không biết làm công việc phụ gì khác ngoài cái nghề nghiệp mà kể từ khi nghiệp đoàn ký quyết định về hưu cho họ thì đã chấm dứt vĩnh viễn. Cuối cùng, một số người già thi thoảng đi chùa giải khuây, mặc dù đi lễ chùa hoàn toàn không được xếp vào danh mục giải trí.
Cha mẹ tôi năm nay cũng tròn 70. Và tôi chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về nỗi cô đơn. Không phải họ “ngậm đắng nuốt cay”, mà có lẽ vì chẳng mấy khi họ có thời gian để mà cô đơn. Cha tôi là nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo. Hễ cứ gọi điện cho ông lần nào là đều thấy giọng ông vui vẻ và náo nức “Ừ, bố đang ở Hà Giang (hoặc Cà Mau hoặc Đà Nẵng hoặc Tây Nguyên…). Bố chụp được nhiều ảnh đẹp lắm con ạ. Khi nào về bố sẽ cho con xem. Bố đang đi cùng các bác…”. Đôi khi ông tự gọi điện cho tôi vào lúc tối muộn, từ một vùng núi nào đó rất xa Hà Nội hoặc từ một cổng galery ảnh ở Sài Gòn, chỉ để chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc tức thời ở cái nơi đang rất vui vẻ ấy, bằng một giọng vội vã rồi nhanh chóng cúp máy để… vui tiếp. Lát sau tôi mới chợt nhớ ra ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà con cháu có thể tổ chức lễ mừng thọ cho ông được rồi.
Mẹ tôi cũng vậy, mỗi bận lên thăm cháu ngoại thường mang theo một túi sách báo, đưa cho tôi những cuốn hay mà bà vừa tìm đọc và tâm đắc, rồi phấn khởi kể về chuyện tuần trước tham gia văn nghệ ở một câu lạc bộ nào đó. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhẹ lòng. Bởi lúc nào tôi cũng canh cánh lo cái nỗi cha mẹ tôi cô đơn vò võ khi cả hai con gái đều đã đi lấy chồng. Cha mẹ tôi, tôi và con gái tôi là ba thế hệ với ba cách sống, cách nghĩ khác nhau, bên cạnh sự gắn bó bằng tình thương ruột thịt bất tận và sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì dẫu sao mỗi người vẫn là một thế giới riêng, vẫn không thể là một người bạn theo đúng nghĩa của nó. Nếu những thế giới riêng không có niềm đam mê và niềm vui riêng của chính mình thì lâu dài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc về niềm vui sống. Điều này là rất nguy hiểm.
Tôi hay phải trả lời một câu hỏi quen thuộc của những người bạn gái. Bạn tôi nói rằng mình đang trong tình trạng xì trét, chỉ vì cô ấy yêu chồng quá đỗi và anh ta thì đã có người khác. Sau khi trao đổi một hồi, tôi hiểu việc khuyên cô ấy kéo lại người kia là bất khả thi, nên tôi tư vấn cô ấy nên theo học một lớp Yoga, thiết kế đồ họa, học tiếng Tây Ban Nha hay Tango Argentina. Những lớp học sẽ thay đổi không khí, mang lại niềm vui, chia sẻ mối quan tâm độc nhất của cô ấy sang một hướng khác. Học những điều mới lạ cũng là một thử thách. Người ta sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chinh phục và vượt qua những điều mình chưa biết. Những lớp học hay những câu lạc bộ cũng mang đến sự giao lưu của một nhóm người có cùng chung một mối quan tâm. Nhưng cô ấy chào tôi rồi ngắt máy. Trước khi ngắt máy nói rằng cô ấy tưởng bí quyết của tôi là gì, chứ đi học thì chán lắm. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy chỉ là người chồng đã mất phần hồn chỉ còn phần xác.
Hãy thử xem, nếu bạn không có bất cứ sự quan tâm nào khác trong cuộc sống ngoài thú vui trò chuyện cùng một người hay một nhóm người nào đó (gia đình, người yêu, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm) thì khi những người đó biến mất, bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng như thể đã mất tất cả vậy. Và bạn cảm thấy tương lai là một bức màn tối đen. Hay chí ít, nếu chỉ vắng mặt những người xung quanh trong một thời gian ngắn, bạn sẽ rơi vào cảm giác buồn chán và vô vị.
Trong giáo trình tiếng Anh tôi đang dạy cho học trò có tên là “Market leader”, có một đề tài thảo luận khá thú vị: You should plan your retirement from an early age. (Bạn nên lập kế hoạch khi về hưu ngay từ lúc tuổi đời còn rất trẻ). Học trò của tôi phì cười trước đề tài này. Không ai muốn lập kế hoạch cho tuổi hưu trí của mình khi mới mười tám đôi mươi. Vậy mà tôi đã mường tượng đến tuổi già của mình từ lâu lắm. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Khi nào đã sang ngưỡng cửa bên kia của cuộc đời, tôi sẽ mua một ngôi nhà ở một nơi (mà tôi cho rằng đẹp nhất hành tinh) để sống, một mình. Vốn đã quen với những quan điểm và lối suy nghĩ đi quá ngưỡng bình thường của tôi, những người kia vẫn không quên kinh ngạc: Tại sao thế?
Tại vì khi ấy không nhiều người còn cần đến tôi nữa. Tôi ít khi thấy những cặp vợ chồng già vẫn còn ríu rít âu yếm và trò chuyện bất tận như một đôi uyên ương, hiếm khi thấy con cái trưởng thành lúc nào cũng thèm gặp, thèm được trò chuyện với cha mẹ và lúc nào cũng nhớ mẹ như khi chúng còn thơ ấu. Lúc ấy con tôi đã có gia đình riêng hạnh phúc của nó và những mối quan tâm mà tôi chỉ là một vị trí rất nhỏ. Bạn bè tôi có lẽ cũng bận rộn với việc đi lễ chùa, tập dưỡng sinh, lo chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, gút và huyết áp cao, không mấy ai còn thiết ngồi quán cà phê mà trò chuyện.
Khi về già, có lẽ sức sáng tạo cũng đã cạn dần, hoặc vẫn còn có thể nhưng sản phẩm sáng tạo đã đuối dần đi rồi. Khi ấy độc giả sẽ không còn cần đến những tác phẩm trung bình của một tác giả già nua. Và có lẽ đến tận 99 tuổi, tôi vẫn là tôi, vẫn là một cá thể không thể tồn tại ở nơi nào mình ít được cần đến. Lúc đó… tôi mơ màng đến một căn biệt thự xinh xắn ở một đô thị cổ xưa tĩnh lặng, với chiếc ghế băng trên hàng hiên thuận tiện cho việc nằm đọc sách, những sở thích mà khi còn trẻ như bây giờ, tôi luôn không đủ thời gian để thực hiện. Và tôi sẽ không cô đơn khi mà còn quá nhiều niềm vui sống khác.
Tất nhiên đó là một câu chuyện tưởng tượng của một người sống bằng nghề tưởng tượng. Điều tôi muốn nói chỉ là: Nếu bạn có một đời sống tinh thần phong phú và bận rộn, bạn sẽ rất hiếm khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Trái lại, cuộc sống của bạn sẽ kéo dài như một ngày hội bất tận cho đến khi bạn bước vào tuổi hưu.
Sưu tầm
Những người già cô đơn, khi còn trẻ, có lẽ họ cũng không có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống. Họ vui khi trẻ, vì lúc đó họ có một công việc để làm nơi công sở và một cộng đồng người vây xung quanh để trò chuyện và giao tiếp. Suy cho cùng, đó là những người luôn cần có cộng đồng. Và thú vui duy nhất của họ là được trò chuyện, đối với phụ nữ thì dùng một từ lóng thô giản hơn là buôn dưa lê. Họ buôn dưa lê ở sở làm, quán cà phê, trên điện thoại, trên mạng, qua Facebook hoặc Yahoo Messenger. Đàn ông cũng buôn dưa lê, nhưng chủ yếu ở các quán nhậu, quán cà phê sáng hay quán cóc vỉa hè. Chả thế mà đâu có quốc gia nào bắt gặp những quán nhậu mà ở đó đàn ông nói chuyện ầm ào như chợ vỡ từ sáng muộn cho tới chập chiều, từ chiều muộn cho tới tối đêm.
Ngoài thú vui trò chuyện ra, những người già cô đơn khi còn trẻ không có mấy mối bận tâm nào khác. Họ không thích đi du lịch, khám phá mạo hiểm, đọc sách hoặc viết lách, nghe nhạc hoặc chơi vài loại nhạc cụ nào đó, thăm phòng tranh hoặc vẽ tranh, xem các trò thể thao hoặc chơi thể thao, chơi cờ, khiêu vũ, xem phim, trồng trọt, nuôi thú cảnh, làm đồ thủ công, may vá thêu thùa, sưu tập tem-tiền cổ-xe máy-đĩa hát-đèn dầu… Khi những người già (hay kêu) cô đơn được hỏi, không một hạng mục nào vừa kể trên nằm trong sở thích của họ, chứ đừng nói là đam mê. Họ cũng không biết làm công việc phụ gì khác ngoài cái nghề nghiệp mà kể từ khi nghiệp đoàn ký quyết định về hưu cho họ thì đã chấm dứt vĩnh viễn. Cuối cùng, một số người già thi thoảng đi chùa giải khuây, mặc dù đi lễ chùa hoàn toàn không được xếp vào danh mục giải trí.
Cha mẹ tôi năm nay cũng tròn 70. Và tôi chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về nỗi cô đơn. Không phải họ “ngậm đắng nuốt cay”, mà có lẽ vì chẳng mấy khi họ có thời gian để mà cô đơn. Cha tôi là nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo. Hễ cứ gọi điện cho ông lần nào là đều thấy giọng ông vui vẻ và náo nức “Ừ, bố đang ở Hà Giang (hoặc Cà Mau hoặc Đà Nẵng hoặc Tây Nguyên…). Bố chụp được nhiều ảnh đẹp lắm con ạ. Khi nào về bố sẽ cho con xem. Bố đang đi cùng các bác…”. Đôi khi ông tự gọi điện cho tôi vào lúc tối muộn, từ một vùng núi nào đó rất xa Hà Nội hoặc từ một cổng galery ảnh ở Sài Gòn, chỉ để chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc tức thời ở cái nơi đang rất vui vẻ ấy, bằng một giọng vội vã rồi nhanh chóng cúp máy để… vui tiếp. Lát sau tôi mới chợt nhớ ra ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà con cháu có thể tổ chức lễ mừng thọ cho ông được rồi.
Mẹ tôi cũng vậy, mỗi bận lên thăm cháu ngoại thường mang theo một túi sách báo, đưa cho tôi những cuốn hay mà bà vừa tìm đọc và tâm đắc, rồi phấn khởi kể về chuyện tuần trước tham gia văn nghệ ở một câu lạc bộ nào đó. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhẹ lòng. Bởi lúc nào tôi cũng canh cánh lo cái nỗi cha mẹ tôi cô đơn vò võ khi cả hai con gái đều đã đi lấy chồng. Cha mẹ tôi, tôi và con gái tôi là ba thế hệ với ba cách sống, cách nghĩ khác nhau, bên cạnh sự gắn bó bằng tình thương ruột thịt bất tận và sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì dẫu sao mỗi người vẫn là một thế giới riêng, vẫn không thể là một người bạn theo đúng nghĩa của nó. Nếu những thế giới riêng không có niềm đam mê và niềm vui riêng của chính mình thì lâu dài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc về niềm vui sống. Điều này là rất nguy hiểm.
Tôi hay phải trả lời một câu hỏi quen thuộc của những người bạn gái. Bạn tôi nói rằng mình đang trong tình trạng xì trét, chỉ vì cô ấy yêu chồng quá đỗi và anh ta thì đã có người khác. Sau khi trao đổi một hồi, tôi hiểu việc khuyên cô ấy kéo lại người kia là bất khả thi, nên tôi tư vấn cô ấy nên theo học một lớp Yoga, thiết kế đồ họa, học tiếng Tây Ban Nha hay Tango Argentina. Những lớp học sẽ thay đổi không khí, mang lại niềm vui, chia sẻ mối quan tâm độc nhất của cô ấy sang một hướng khác. Học những điều mới lạ cũng là một thử thách. Người ta sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chinh phục và vượt qua những điều mình chưa biết. Những lớp học hay những câu lạc bộ cũng mang đến sự giao lưu của một nhóm người có cùng chung một mối quan tâm. Nhưng cô ấy chào tôi rồi ngắt máy. Trước khi ngắt máy nói rằng cô ấy tưởng bí quyết của tôi là gì, chứ đi học thì chán lắm. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy chỉ là người chồng đã mất phần hồn chỉ còn phần xác.
Hãy thử xem, nếu bạn không có bất cứ sự quan tâm nào khác trong cuộc sống ngoài thú vui trò chuyện cùng một người hay một nhóm người nào đó (gia đình, người yêu, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm) thì khi những người đó biến mất, bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng như thể đã mất tất cả vậy. Và bạn cảm thấy tương lai là một bức màn tối đen. Hay chí ít, nếu chỉ vắng mặt những người xung quanh trong một thời gian ngắn, bạn sẽ rơi vào cảm giác buồn chán và vô vị.
Trong giáo trình tiếng Anh tôi đang dạy cho học trò có tên là “Market leader”, có một đề tài thảo luận khá thú vị: You should plan your retirement from an early age. (Bạn nên lập kế hoạch khi về hưu ngay từ lúc tuổi đời còn rất trẻ). Học trò của tôi phì cười trước đề tài này. Không ai muốn lập kế hoạch cho tuổi hưu trí của mình khi mới mười tám đôi mươi. Vậy mà tôi đã mường tượng đến tuổi già của mình từ lâu lắm. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Khi nào đã sang ngưỡng cửa bên kia của cuộc đời, tôi sẽ mua một ngôi nhà ở một nơi (mà tôi cho rằng đẹp nhất hành tinh) để sống, một mình. Vốn đã quen với những quan điểm và lối suy nghĩ đi quá ngưỡng bình thường của tôi, những người kia vẫn không quên kinh ngạc: Tại sao thế?
Tại vì khi ấy không nhiều người còn cần đến tôi nữa. Tôi ít khi thấy những cặp vợ chồng già vẫn còn ríu rít âu yếm và trò chuyện bất tận như một đôi uyên ương, hiếm khi thấy con cái trưởng thành lúc nào cũng thèm gặp, thèm được trò chuyện với cha mẹ và lúc nào cũng nhớ mẹ như khi chúng còn thơ ấu. Lúc ấy con tôi đã có gia đình riêng hạnh phúc của nó và những mối quan tâm mà tôi chỉ là một vị trí rất nhỏ. Bạn bè tôi có lẽ cũng bận rộn với việc đi lễ chùa, tập dưỡng sinh, lo chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, gút và huyết áp cao, không mấy ai còn thiết ngồi quán cà phê mà trò chuyện.
Khi về già, có lẽ sức sáng tạo cũng đã cạn dần, hoặc vẫn còn có thể nhưng sản phẩm sáng tạo đã đuối dần đi rồi. Khi ấy độc giả sẽ không còn cần đến những tác phẩm trung bình của một tác giả già nua. Và có lẽ đến tận 99 tuổi, tôi vẫn là tôi, vẫn là một cá thể không thể tồn tại ở nơi nào mình ít được cần đến. Lúc đó… tôi mơ màng đến một căn biệt thự xinh xắn ở một đô thị cổ xưa tĩnh lặng, với chiếc ghế băng trên hàng hiên thuận tiện cho việc nằm đọc sách, những sở thích mà khi còn trẻ như bây giờ, tôi luôn không đủ thời gian để thực hiện. Và tôi sẽ không cô đơn khi mà còn quá nhiều niềm vui sống khác.
Tất nhiên đó là một câu chuyện tưởng tượng của một người sống bằng nghề tưởng tượng. Điều tôi muốn nói chỉ là: Nếu bạn có một đời sống tinh thần phong phú và bận rộn, bạn sẽ rất hiếm khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Trái lại, cuộc sống của bạn sẽ kéo dài như một ngày hội bất tận cho đến khi bạn bước vào tuổi hưu.
Sưu tầm