PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm, người ấu trĩ không đủ tầm đạo văn GS. Kim Định (phần 2)

Mời coi phần 1: ✔️ “Cơ sở văn hóa Việt Nam” khoa học hay truyền thuyết? (phần 1)

(Bài đã in trên báo “Văn Nghệ” 22 năm trước ra ngày 04/05/1996, tiếp theo và hết).


✅ Những lập luận thiếu cơ sở khoa học và văn hóa

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm “biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe”:

Một công trình được gọi là khoa học đồ sộ này của Trần Ngọc Thêm, sao tác giả lại lý luận cợt nhả như sau: “Chú Cuội trong chuyện cổ tích Việt Nam trồng cây đa làm thuốc cải tử hoàn sinh trong vườn thì dặn vợ: có đái thì đái bên tây, đừng đái bên đông, cây dông lên trời. Vì sao? Vì bên đông là bên nông nghiệp (của mình) cho nên linh thiêng, cần được coi trọng: còn bên tây là bên du mục (không phải của mình) thì thế nào cũng được” (CSVHVN tr.78). Thảo nào, có bao nhiêu đức tính tốt đẹp của loài người, ở trang 32, ông Thêm đều thu về hết cho phe mình là nền văn hóa nông nghiệp, còn hầu hết tính xấu và bất cập đều được ông đùn đẩy cho phương Bắc và phương Tây là gốc văn hóa du mục(!)

Lịch sử tiến hóa của loài người từ vượn qua ăn lông ở lỗ, phát triển thành du mục, tiến lên văn minh nhờ định cư nông nghiệp. Từ gốc văn minh nông nghiệp, nhân loại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi mà tiến dần lên văn minh đô thị hóa công nghiệp hiện nay. Tại sao Trần Ngọc Thêm cứ khăng khăng cho phương Tây và phương Bắc gốc văn hóa du mục? Làm như các nước Nam Á và Đông Nam Á chưa hề đi qua văn hóa du mục, từ vượn người thoắt đã biết nghề trồng lúa nước? Không cần luận chứng khoa học và bằng chứng lịch sử, Trần Ngọc Thêm viết: “Điển hình cho loại gốc du mục (trọng động) là các nền văn hóa phương Tây, còn điển hình gốc văn hóa nông nghiệp (trọng tĩnh) là các nền văn hóa phương Đông” (tr. 26).

GS.TSKH, viện vĩ, đạo văn sĩ Trần Ngọc Thêm kẻ làm nhục cả nền giáo sư Việt Nam bằng hành vi ăn cắp cả cuốn sách Kim Định làm sách mình.

Trần Ngọc Thêm đã lầm khi cho văn hóa phương Tây có nguồn gốc du mục. Nếu cứ lập luận tùy tiện như vậy thì ta có thể gán cho bất cứ nền văn hóa nào cũng có nguồn gốc vượn cả. Thực ra nền văn hóa cổ gốc Hy-La của phương Tây có nguồn gốc hải đảo và biển. Còn nếu xét nguồn gốc xa nhất của phương Tây được khởi phát từ Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại thì nó còn có nguồn gốc nông nghiệp xưa hơn nguồn gốc nông nghiệp Nam Á và Đông Nam Á. Nền văn minh nông nghiệp Lưỡng Hà của Assyri và Babilon đã có trước công nguyên hàng chục nghìn năm. Cũng như nền văn hóa nông nghiệp Sông Nil đã có độ tuổi từ 5000 năm trước công nguyên. Do vậy, văn hóa phương Tây có nguồn gốc nông nghiệp xưa hơn nhiều vùng Nam Á và Đông Nam Á. Nghĩa gốc của từ “văn hóa” phương Tây là từ Cultus nghĩa là trồng trọt của tiếng La Tinh. Lưu vực các con sông lớn ở châu Âu như Đa Núp, Vonga, ngay từ thời cổ đại đã có những cư dân nông nghiệp trồng lúa miến, lúa mạch hay kê…

Theo trang 32, sách đã dẫn, ông Trần Ngọc Thêm đã áp đặt cho văn hóa du mục phương Tây có các đặc tính là độc tôn, quân chủ, trọng nam khinh nữ, thiên về phân tích trọng sức mạnh cơ bắp là võ lực và coi thường thiên nhiên. Lập luận như trên, ông Thêm quả là quá thiếu hiểu biết về văn hóa phương Tây. Dĩ nhiên, nền văn hóa nào cũng có những ưu khuyết điểm của nó. Nếu ta nhìn lại nền văn hóa Hy La cổ đại với sự phát triển rực rỡ nhất của triết học, khoa học và nghệ thuật, đặt cơ sở cho văn hóa phương Tây sau này, sẽ thấy những đặc điểm của nó ngược lại điều ông Thêm vừa chỉ ra. Trần Ngọc Thêm lại có một áp đặt phi lịch sử khác là gán cho Hoa tộc có nguồn gốc xa xưa du mục. Từ 5000 năm trước công nguyên khi Hoa tộc định cư theo bình nguyên Hoa Bắc của sông Hoàng Hà, văn hóa của họ đã là văn hóa nông nghiệp rồi. Sau đó Hoa tộc tràn xuống phương Nam, vượt sông Dương Tử, đồng hóa dần Bách Việt, cho đến cuối nhà Chu thì vùng đất Hoa Nam đã bị Hán hóa gần hết chỉ trừ bộ tộc Lạc Việt chúng ta thôi.

Nên nền văn hóa Trung Hoa bao gồm cả Hoa Bắc và Hoa Nam. Khái niệm phương Nam trong sách vở cổ Trung Hoa phần lớn chỉ vùng Hoa Nam của Hoa tộc, chứ không phải chỉ riêng Lạc Việt như ông Thêm ngộ nhận. Nếu sông Hoàng Hà là bộ óc của văn minh Hoa tộc thì sông Dương Tử là tâm hồn của nền văn hóa ấy. Chính vì vậy, việc nhận bừa Nho giáo và Đạo giáo có nguồn gốc Bách Việt là điều không thể chấp nhận.

Tất nhiên, việc Hoa tộc tiếp thu văn hóa Bách Việt cũng như văn hóa Tạng, Mông, Mãn, Hồi trong quá trình xâm chiếm và đồng hóa là điều bình thường và dễ hiểu. Văn hóa Hoa tộc ưu thế hơn so với các nền văn hóa rìa ngoài. Họ có văn tự vào loại cổ nhất thế giới. Họ có nền văn minh tự do khởi nguồn dài nhất thế giới là thời bách gia chư tử, tạo ra một nền triết học có thể sánh ngang Hi Lạp cổ đại. Theo Will Durant trong cuốn: “Lịch sử văn minh Trung Quốc” có dẫn lời nhà khai sáng Pháp Voltaire nói về văn hóa Hán tộc như sau: “Quốc gia ấy tồn tại một cách rực rỡ từ 4000 năm rồi mà luật pháp, phong tục, ngôn ngữ, cách ăn mặc vẫn không thay đổi bao nhiêu… Người Trung Hoa hơn hẳn các dân tộc khác trong hoàn vũ” (Bản dịch của NLL, ĐHSP 1990).

Như chúng ta đã biết, việc xác minh nguồn gốc các dân tộc trên thế giới, thậm chí ngay cả nguồn gốc nhân loại cũng vẫn còn trong vòng tranh cãi, chưa thể tìm ra một cách giải thích duy nhất. Cũng như vậy, nguồn gốc dân tộc Việt Nam vẫn còn nằm trong giả thuyết. Gốc Indonesia lai Mongol là giả thuyết tạm thời được chấp nhận. Khi Thục Phán xâm lược nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc gọi là văn minh Lạc Việt vào năm 257 trước công nguyên thì thời đại Hùng Vương của họ Hồng Bàng đã tồn tại hơn 2000 năm trước. Trong khoảng thời gian ấy, người Giao Chỉ có là một nhánh của Bách Việt hay không thì lịch sử chưa đủ cứ liệu xác minh. Việc cho nguồn gốc người Việt Nam là một nhánh của Bách Việt di cư từ hồ Động Đình phía nam sông Dương Tử đến chỉ là giả thuyết. Cũng có vị bảo gốc Việt Nam ta là một phần của nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn di cư xuống từ 600 năm trước công nguyên vì căn cứ giọng nói dân ta và dân Phúc Kiến hao hao nhau cũng mới chỉ là giả thuyết. Rất có thể suốt 2000 năm văn hóa Văn Lang, chúng ta chưa có liên hệ gì với Bách Việt phía nam sông Dương Tử cả.

Chừng như văn hóa Lạc chỉ trộn với văn hóa Việt khi Thục Phán đến nước ta khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc và làm chủ Trung Nguyên? Do vậy Trần Ngọc Thêm đã dùng phương pháp huyền sử của Kim Định để chứng minh dân tộc ta 4000 năm trước có nguồn gốc Bách Việt chăng? Từ đó ông Thêm mới lấy kết luận của Kim Định làm của mình rằng văn hóa nông nghiệp của chúng ta có nguồn gốc Viêm Đế, Tam Miêu, từng đặt nền móng cho văn hóa du mục cổ đại Trung Hoa là một chuyện chưa được kiểm chứng. Trong bộ “Việt Nam văn minh sử” của học giả Lê Văn Siêu (do trung tâm học hiệu bộ giáo dục Sài Gòn in 1972, tr, 38) có viết: “Nhưng làm thế nào chứng minh nổi gốc cũ ta là Tam Miêu (một nhóm Bách Việt-chú của TMH). Mặc dầu sử cũ có ghi, và mặc dầu có những lý luận thông thái của linh mục Lương Kim Định dựa vào những nghĩa chữ chỉ có ở 1500 năm sau. Cho nên không thể nhận gốc cũ ta là Tam Miêu được”.

Như vậy, lập luận căn bản để làm nên “công trình khoa học: CSVHVN” của Trần Ngọc Thêm là lấy nguyên xi từ Kim Định, mặc dù vị linh mục này chỉ coi những phát kiến của mình còn trong sự đề xuất hay phiếm luận, phúng dụ mà thôi. Nhưng từ những đề xuất động trời của cha Kim Định, Trần Ngọc Thêm bèn vội vã biến chúng thành khoa học; đó chính là cái lỗi lớn nhất của ông Thêm, một người chưa đủ sức khỏe để có thể tiêu hóa được những đề xuất động trời của Kim Định…

•••

✅ Những kết luận không thỏa đáng

Trước khi tam giáo truyền vào nước ta, người Việt hầu như chưa có tôn giáo. Việc thờ ông bà với bàn thờ gia tiên, thậm chí thờ trời thực ra mới dừng lại ở mặt đạo lý và vũ trụ quan sơ khai của người nguyên thủy. Trần Ngọc Thêm viết: “Ở Việt Nam tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai biểu hiện: thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ bản thân hình ảnh giao phối” (tr.151). Theo từ điển Tiếng Việt sách đã dẫn (tr. 960) định nghĩa: “tín ngưỡng, tin theo một tôn giáo nào đó”.

Như vậy, tôn giáo thờ phồn thực, thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ hành động giao phối do ông Thêm gán ghép cho dân tộc ta suốt 4000 năm lịch sử là một việc rất chủ quan, sai trái. Tín ngưỡng thờ Linga và Youni là tôn giáo phiếm thần của Ấn Độ thuở còn thổ dân Dravidien xâm nhập vào Bà-la-môn rồi truyền qua một số sắc dân Nam Á như Chàm chẳng hạn. Việc các vua thời Lý Trần đưa hàng loạt thợ đá và thợ đóng thuyền Chiêm Thành ra các vùng đất quanh Thăng Long, thậm chí lập làng riêng cho họ còn dấu tích đến ngày nay; chứng tỏ tín ngưỡng thờ âm vật và dương vật đã theo họ ra vùng đất mới và ít nhiều để lại dấu tích kỷ niệm trên đá, trên gỗ, hay trên gạch. Vả lại, sự giao lưu văn hóa Việt Chăm là điều dĩ nhiên trong quá trình lịch sử. Không thể căn cứ vào điều cá biệt ấy và hình tượng người làm tình trên nắp thạp đồng Đào Thịnh để kết luận dân tộc ta từng thờ âm vật và dương vật được.

Dưới ám ảnh phồn thực, Trần Ngọc Thêm đã rất bệnh hoạn khi nhìn vào cấu trúc chùa Một Cột là nét đẹp thiêng liêng quốc hồn quốc túy: hình ảnh đóa sen đầy Phật tính Việt Nam, thành sự dung tục, bậy bạ, xúc phạm văn hóa dân tộc khi Trần Ngọc Thêm viết rất nhơ nhuốc như sau: “Chùa Một Cột với hình bông sen thanh thoát ở trên và trụ đá thể hiện ý niệm phồn thực ở dưới dâng lên Phật Bà” (tr.304). Quả là một cái tát của Trần Ngọc Thêm vào đạo Phật Việt Nam.

Xin hãy nghe ông Thêm giải thích nguồn gốc tôn giáo phồn thực: “Toàn bộ Linga mô phỏng bộ chày cối – biểu tượng tính phồn thực của cư dân Đông Sơn (tr.279). Với nhãn quan sinh thực khí ấy, ông Thêm nhìn ngôi chùa Việt Nam bằng cái nhìn Thị Mầu: “Muốn giữ cho Phật giáo ở lại mãi bên mình, người Việt Nam nhiều khi phá cả giới luật. Có những nơi muốn buộc sư gắn với làng mình để giữ chùa cúng lễ, dân làng đã tổ chức cưới vợ cho sư” (tr.303).

Có lẽ phong tục cưới vợ cho sư của người Việt chính là khám phá “văn hóa riêng” của ông Thêm, làm nên “cơ sở văn hóa Việt Nam” của ông ta chăng?

Tôn giáo là một đặc trưng văn hóa. Trong CSVHVN, Trần Ngọc Thêm không chỉ nhìn Phật giáo bằng cái nhìn nhục dục, rất phân tâm học, mà ông ta còn ác cảm vô cùng với đạo Thiên Chúa Việt Nam: “Ki tô giáo thâm nhập vào Việt Nam song song với công cuộc thực dân xâm lược và đồng lõa với chúng” (tr.345). “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” nhá ông dốt đặc cán mai tên Trần Ngọc Thêm. Đạo Thiên Chúa giáo do các giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha truyền vào Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ XVI thời vua Lê chúa Trịnh, 300 trăm năm sau Pháp mới chiếm Việt Nam bằng việc đánh vào Đà Nẵng năm 1858. Việc vô cớ kết tội các tông đồ của Chúa vào Việt Nam truyền đạo trước khi Pháp xâm lược nước ta 300 năm sau là một hành vi phản văn hóa của Trần Ngọc Thêm. Ông Thêm không cám ơn đạo Thiên Chúa đã tặng dân tộc Việt Nam chữ quốc ngữ thì thôi, sao lại nặng lời với đạo Chúa dám vu cáo công cuộc thừa sai của dòng tên là đồng lõa với bọn xâm lược. Thật là vô sỉ và láo xược!

Sau bốn thế kỷ Thiên Chúa giáo vào Việt Nam, đạo Chúa đã có hàng chục triệu người theo (gồm Thiên Chúa giáo và Tin Lành), thành văn hóa Việt Nam hòa với cộng đồng dân tộc và các tôn giáo khác. Chỉ riêng Trần Ngọc Thêm là còn thù hận đạo Thiên Chúa, tiếp tục vu khống và phỉ báng đạo này: “Ki tô giáo là một tôn giáo mang đậm tính du mục (độc tôn cứng rắn) do vậy mà không hòa đồng được với văn hóa Việt Nam” (tr.345).

Một người tự nhận là một nhà văn hóa như ông Thêm lại rất thiếu văn hóa khi nhìn đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Bảo đạo Thiên Chúa độc tôn, cứng rắn, du mục, tiếp tay cho bọn xâm lược, Trần Ngọc Thêm đã tự hạ mình xuống thành tên báng bổ, thành một kẻ thiếu giáo dục. Đế quốc La Mã tiền Kitô mới độc tôn, cứng rắn, dã man. Đạo Kitô là đạo của lòng nhân, của bác ái, của tự do. Chúa khởi đầu là một Đấng giải phóng nô lệ. Đạo của Ngài ban đầu hầu như là đạo của kẻ nghèo hèn, của dân nô lệ. Đem những kiến thức dâm dục hóa đạo Phật, báng bổ và nói láo lếu đạo Kitô của ông Thêm này mà dạy cho sinh viên thì giới trẻ chúng ta ngày càng mất văn hóa, mất nhân tính mất thôi.
GS. triết gia, linh mục Kim Định (1914-1997).

Trần Ngọc Thêm không chỉ nói xấu đạo Phật, nói xấu đạo Chúa, ông còn đem cả dân tộc Việt Nam ra báng bổ, giễu cợt như sau: “Thậm chí trong cả việc chửi nhau, người Việt cũng chửi nhau một cách bài bản, cân đối nhịp nhàng, đầy chất thơ. Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt có thể chửi giờ này đến giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không chán” (tr.187). Phải chăng, những món này đã góp phần tạo ra CSVHVN mà ông Thêm đã bịa tạc ra một cách tùy tiện và bôi bác?

Trần Ngọc Thêm luôn phê các nhà nghiên cứu khác thường lấy Trung Hoa là trung tâm. Nhưng ông Thêm lại mắc bệnh trầm kha lấy văn hóa nông nghiệp Lạc Việt làm trung tâm: “Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ” (tr.40). Hoặc ông Thêm còn có thái độ dân tộc cực đoan mất hết tỉnh táo: “Giai đoạn từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên cho đến thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, văn hóa Lạc Việt đã tạo nên một đỉnh cao rực rỡ, có ảnh hưởng đến toàn khu vực” (tr.48).

Ông Thêm đã ăn cắp toàn bộ hệ thống “nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của GS. Kim Định rồi xào xáo, thêm mắm thêm muối làm nên “Cơ sở văn hóa Việt Nam” với một sở học thấp kém, với mớ kiến thức nông cạn, rất ấu trĩ, nhiều sai trái...

Sài Gòn, đêm 30/03/1996.
Trần Mạnh Hảo

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ