Aleksandr Solzhenitsyn – nhà văn của lương tâm Nga ắt hẳn đã trải qua nhiều giằng xé nội tâm để viết ra một câu ứa máu: “Đường biên thiện – ác chạy qua trái tim mỗi người. Và ai sẵn sàng phá hủy một phần trái tim của chính mình?”
Hơn 20 năm làm báo cho tôi những trải nghiệm đủ để có cái nhìn bình thản, khách quan trước nhiều biến cố khó tin, vậy mà bây giờ nhiều lúc, để giữ tâm bình an, tôi không dám mở báo ra đọc nữa. Có cảm tưởng chưa khi nào mà cái ác hiển lộ mạnh mẽ đến thế, được dung dưỡng dễ dàng hồn nhiên đến thế, đến nỗi chúng ta phải hỏi liệu đã tới ngưỡng chưa và ngày tận thế còn bao nhiêu canh giờ nữa?
✅ Ẩn ức tâm lý và những cái ác tinh vi
Bên cạnh những sự ác độc hồn nhiên do thiếu hiểu biết hoặc kém ý thức, có điều ác tinh vi khởi sinh từ mặc cảm thua kém, tự ti.
Những cơn mưa đá, những chiến dịch bóc mẽ, dìm hàng, trolling tập thể và những ngôn từ hằn học, tai ác ngày càng phổ biến trên mạng xã hội là minh chứng sinh động.
Trong gia đình, không hiếm ông bố ngược đãi con cái chỉ vì mặc cảm thua kém trước bà vợ quá giỏi giang, mọi ấm ức không thể đối thoại với người kia được trút hết vào đứa trẻ. Cũng dễ gặp nhiều bà mẹ ép con đạt thành tích cao trong học hành, thể thao, nghệ thuật chỉ để trả thù người chồng bội bạc.
Nhiều cặp vợ chồng đã cạn tình với nhau nhưng nhất quyết không ly dị chỉ vì không muốn kẻ kia tìm được hạnh phúc mới trước mình.
Ngoài xã hội, không hiếm người nghiện cảm giác thỏa mãn khi phô bày ưu thế trước người bất hạnh. Không khó tìm một nhà từ thiện chưa giải hết mặc cảm thiếu thốn trong quá khứ, kẻ giơ tay cứu giúp để trả thù chính những kẻ từng khinh khi mình, kẻ hào phóng trao tặng lời khuyên đồng thời gây chia rẽ, lấy đi toàn bộ lòng tự tôn, kẻ rộng rãi ban phát chút ít ân huệ, nhưng để trói người nhận chung thân trong nhà tù hàm ơn. Không ít người tìm thấy niềm sướng khoái khi có cơ hội khiến ai đó hoàn toàn lệ thuộc vào mình rồi bỏ mặc, hoặc chôn vùi kẻ từng làm đau mình trong mặc cảm tội lỗi vĩnh viễn.
Điều tệ hơn cả là họ đang làm điều đó với người thân, nhân viên, cộng sự, học trò – những đối tượng mà lẽ ra sẽ cùng cộng hưởng để tạo nên giá trị nhân văn bền vững.
Hậu quả là những đứa trẻ lớn lên trong những cái “tổ lạnh” – một môi trường thiếu vắng tình yêu thương như thế, sẽ tiếp tục (một cách vô thức), lặp lại hành vi ngược đãi ấy với người khác và con cái mình.
Những học sinh bị thầy cô ngược đãi sẽ tiếp tục ngược đãi học trò nếu có cơ hội làm thầy. Những nhân viên bị đối xử thiếu công bằng sẽ ra đi, tiếp tục tạo ra những doanh nghiệp cạnh tranh bởi động cơ “phục hận”, và “win – win” sẽ vẫn mãi là một khái niệm xa lạ.
Mặc cảm tự ti khiến con người tự giam mình trong hoài nghi, đóng lại khả năng thụ cảm điều đẹp đẽ.
Mới đây vợ chồng một doanh nhân nhặt được chiếc ví có vài chục triệu trong đó, đã nhờ cộng đồng Facebook tìm ra khổ chủ và gửi trả. Thật tiếc, anh chị đã bị không ít người trong cộng mạng chế nhạo là khoe mẽ.
“Khôn ngoan” hơn, cháu gái tôi, một cô bé 12 tuổi sau buổi học thêm tiếng Anh đã thấy một chiếc iPhone nằm trong balo, nhanh chóng tìm người mất để trả lại. Nhưng dù đã được mẹ thuyết phục, cô bé vẫn nhất quyết không nói với giáo viên, vì sợ… bị tuyên dương, sợ mọi người xúm vào bình phẩm, sợ bị chê ngu, bị mỉa mai là “ham thể hiện”…
Thời đại nào mà người tử tế, việc thiện lành đã hiếm nay lại trở nên cô độc đến thế? Trở ngại nào đã khiến một đứa trẻ không dám hồn nhiên phô bày một việc tốt lẽ ra rất đáng biểu dương? Phải chăng nó cảm thấy quá đơn độc lẻ loi giữa những miệng lưỡi nhân gian độc địa bởi lòng đố kị mà người lớn hàng ngày trưng ra trước nó?
Tôi muốn hạnh phúc. Và chắc bạn cũng thế. Bạn khao khát hạnh phúc và bình yên, bạn yêu con trẻ, yêu các thiên thần, yêu điều đẹp đẽ, bạn ghét cái ác như tôi thậm chí hơn tôi. Tuổi nhi đồng, bạn từng sướng run khi người hùng trừ gian diệt ác thắng thế, thời thanh niên, bạn từng ước ao lớn lên trở thành một trong số họ, ngay cả khi đã chai sại vì đời va đập, bạn vẫn có thể giận run lên khi chứng kiến những điều phi nhân phi nghĩa.
Vậy tại sao chúng ta vẫn phải sống chung với nó?
✅ Đường biên thiện – ác vắt ngang tim
Có lúc chúng ta ngỡ ngàng bật dậy giữa đêm, vã mồ hôi khi nhận ra cổng cửa quên khoá, lật đậy dật thay ổ khoá bự hơn, bật vội hệ thống báo trộm rồi run rẩy cầm con dao đi dò khắp nhà, mắt liếc sang nhà hàng xóm đầy nghi ngờ. Để rồi sáng thức dậy, nhìn qua ban-công nhà đối diện, bắt gặp nụ cười nhẹ như mây cùng với một chùm hoa thơm chĩa sang dụi đầu vào ô cửa kính, ta dụi mắt chưa dám tin.
Ta có chút hối hận vì trót nghi ngờ cánh tay khoẻ khoắn từng chìa ra xách đỡ đồ cho ta lúc lên cầu thang, nhưng rồi mỗi khi nỗi bất an nghi kị trào lên, ta lại quên.
Ta sẵn sàng nổi quạu khi thấy trước cửa nhà một bịch rác vô chủ còn nhà hàng xóm kín cổng cao tường sạch sẽ đến khả nghi.
Từ chỗ ta sẵn sàng mở nhạc cổ điển thật to vào giữa trưa nắng, lúc vợ chồng gã hàng xóm bắt đầu chợp mắt để trả thù cái tội họ luôn luôn tọng “Còn thương rau đắng sau hè” hết cỡ vào tai ta sáng sớm, đến chỗ muốn gõ vào đầu gã say nhà ấy mấy búa, khi hắn khoan tường vào giờ nhạy cảm.
Bạn hơi chạnh lòng khi công sức của bạn không được ghi nhận xứng đáng, cơn ấm ức của tôi cũng tăng dần đến ứa gan khi đồng nghiệp xấu xí hơn, kém cỏi hơn nhưng lại được sếp đẹp trai giàu có để mắt và đang có nguy cơ trở thành bà chủ?
Tôi từng nổi cơn khó chịu, bạn rất muốn bóc mẽ, dìm hàng khi người trước mặt thể hiện giàu có giỏi giang hơn những gì hắn thực có? Và nếu kẻ đó nổi điên gây hấn với ta, điều gì đảm bảo là ta không tham chiến?
Tôi gay gắt lên án bảo mẫu bạo hành trẻ em nhưng quên mất mình cũng có lúc nổi điên muốn đét đít con một cái cho bõ tức. Bạn phê phán đàn ông vũ phu nhưng ai dám chắc chưa từng có giây phút bạn ước ao mụ vợ lắm điều bỗng dưng trúng gió cấm khẩu, ước con chó hàng xóm hay sủa một ngày ra đường rồi mãi mãi không trở về?
Sự khác biệt giữa bạn – tôi và họ là rất không đáng kể. Ranh giới để ta trở thành họ thật ra hết sức mong manh.
Chúng ta may mắn vì nhận thức tốt hơn, tự chủ tốt hơn hoặc chưa rơi vào môi trường/điều kiện thuận lợi đủ để kích nổ cái quả bom sân hận vốn tiềm ẩn trong mình. Thế nhưng liệu chúng ta còn giữ mình được bao lâu, khi môi trường tinh thần và các giá trị nhân văn đang bị cái ác xâm thực mạnh mẽ?
Có người (như tôi) chọn giải pháp không đọc báo, không xem tivi, đóng cửa trước thông tin tiêu cực. Nhưng đâu cần mở báo hay click chuột, chỉ cần hé cửa ra là bạn đã có thể lãnh trọn tiếng loé xoé của hàng xóm, vào chợ nghe người bán chửi người mua, vô quán bắt gặp người phục vụ trả thù khách khó tính bằng thọc nguyên ngón tay cái đen thui vào bát phở, đến công sở bắt quả tang đồng nghiệp chơi khăm nhau, đón con về nơm nớp sợ kẻ xấu vờ đụng xe cướp con khỏi tay mình, vô bệnh viện thì đau lòng nhìn người thân bị y tá chọc kim rõ đau để “nhắc” tiền bồi dưỡng…
Rồi tôi sớm nhận ra rằng mình có thể mua nhà nhưng không mua được hàng xóm, có thể chọn bạn bè, nhưng không chọn được họ hàng, đồng nghiệp, có thể bảo bọc con nhưng không thể làm thế với tất cả bạn bè và môi trường xã hội của mà chúng sẽ gặp trong đời.
✅ Loại bỏ, đào thoát hay chung sống hoà bình?
Nếu nhìn vào lịch sử, kinh nghiệm Tần Thuỷ Hoàng, Lê Ngoạ Triều, Mao, Nazi, Pol Pot… cho thấy dưới một thể chế mà việc làm ác chẳng những không bị ngăn cản mà còn được khen thưởng thì dân chúng sẽ càng ngày trở nên tàn ác và hiệu ứng ngược lại ở những xã hội đề cao giá trị nhân văn, trân quý con người. Nước Đức từng được chọn là nơi tốt nhất để sinh sống làm việc, chỉ vài chục năm sau khi Nazi bị hủy diệt. Hà Lan đứng trước khả năng dỡ bỏ nhà tù vì không còn tội phạm.
✅ Vậy liều thuốc nào dành cho cho người Việt?
Con trai tôi – một teenager mê sáng chế robot – fan trung thành của Marvel và thế giới siêu anh hùng kiểu Mỹ trả lời câu hỏi này như sau: “Nếu không suy nghĩ chín chắn lắm, con sẽ chọn biện pháp loại bỏ/ cách ly hết kẻ xấu, kẻ ác ra khỏi xã hội. Cách thứ hai là bỏ đi, đến nơi nào mà ta thấy con người văn minh nhân ái hơn. Nhưng mẹ biết đấy, cả hai cách này đều không khả thi.”
Về giải pháp, sau một thời kỳ “ngâm cứu” các nhân vật phản diện có tâm lý phức tạp (những đối thủ nặng ký của các siêu anh hùng nhiều sức mạnh và tâm hồn ngây thơ), lý luận chàng trai tuổi teen ưa thích môn tâm lý học này là: “Ác là một dạng bệnh lý.” Chuỗi nhân vật phản diện của Marvel là những thí dụ sinh động về những cái ác khởi sinh từ tổn thương thời ấu thơ, các dạng thái nhân cách do các cú sang chấn tâm lý vị thành niên đã kích hoạt “kíp nổ” được gài sẵn trong tiềm thức. Các siêu anh hùng có mạnh đến đâu, cũng không thể nào diệt ác trừ gian tận gốc, nếu thiếu giải pháp tổng thế: “mỗi cá thể tự nhận ra cái kíp nổ đó trong mình, tháo gỡ và vô hiệu hoá nó”- Đây cũng là cách các ông lớn ngành giải trí phương Tây cài đặt triết lý thiện – ác vào công chúng nhỏ tuổi của mình, để đánh thức những giấc mơ, nuôi dưỡng chủ nghĩa anh hùng trong một thế giới mà con người ngày càng trở nên vô cảm, vị kỷ.
Dễ hiểu vì sao người phương tây nói chung có ý thức cao về vai trò và trách nhiệm cá nhân, ít tiểu xảo hay ác vặt.
Thật ra, từ hơn 2500 trước, ông Phật đã chẩn bệnh: ác hạnh là bởi vô minh, còn khái niệm “kíp nổ” hay “mầm ác” này được gói gọn trong 3 từ: tham – sân – si.
Hơi khó để đề cập sâu hơn trong giới hạn một bài viết nhỏ. Nhưng theo tôi, ở cấp độ đơn giản, người Việt muốn giải được tham (hám lợi bất chấp đạo lý), việc đầu tiên là phải gỡ bỏ hết những ẩn ức do thiếu thốn đói nghèo, từ đó từng bước minh định lại các chuẩn giá trị.
Chừng nào tâm con người bớt bị thiêu đốt bởi các giá trị ảo, có nhiều lựa chọn hơn cho mỗi người, cuộc sống cũng sẽ bớt điên cuồng.
Muốn giảm thiểu sân (hằn học, ganh ghen đố kị) phải xoá hết mặc cảm tự ti, thành thật với chính mình để bớt hoang tưởng, biết điểm mạnh yếu của mình để bớt hẹp hòi, đố kị trước thành quả lao động của người khác, chấp nhận sự khác biệt. Muốn bớt si (mù quáng, a dua, nghiện ngập) thì sự hiểu biết là loại kháng thể mạnh giúp ta ý thức được giới hạn, tự điều chỉnh trong từng ý nghĩ và hành động, tránh bị bản năng dẫn dắt.
✅ Like và share có ý thức
Tôi cũng nghĩ rằng mùa xuân chỉ đến khi nào người Việt nhận thức lại, xây dựng lại chuẩn giá trị từ trong gia đình. Chừng nào cha mẹ nhận thức đúng đắn hơn nữa việc giáo dục con cái, thay vì biến con thành công cụ thoả mãn mong muốn ích kỷ của chính mình. Chừng nào mỗi người biết tư duy tích cực, biết tìm ưu điểm của nhau để phối hợp thay vì tìm điểm yếu để triệt hạ. Chừng nào giá trị bền vững là điểm kết nối giữa các thành viên trong gia đình, công sở, cơ chế để những khác biệt cùng tồn tại được thiết lập, thì chừng đó cách biệt sẽ được rút ngắn, tổn thương sẽ sớm được chữa lành, xung đột sẽ được hoá giải.
“Lưỡi luôn tìm đến những nơi có răng đau” – Tin xấu luôn có sức hấp dẫn và lan toả hơn tin tốt. Để tránh bị “ám thị”, mỗi người hãy cùng nhau tạo ra một trường thông tin tích cực, văn minh trên các tương tác với thế giới mạng. Trước khi làm một việc đơn giản như bấm like, nhấn nút share, hãy ý thức mỗi một niệm (ý nghĩ, lời nói) tiêu cực cũng có sức công phá chẳng khác nào trái bom, để tự hỏi mình vì sao làm thế, điều gì đang hối thúc từ bên trong: mong cầu hàn gắn, yêu thương hay phá huỷ?
Tâm lý học hiện đại đã chỉ ra: ngôn từ không chỉ là sản phẩm (một chiều) của tư duy mà nó cũng có khả năng tương tác, tạo ra khung mẫu tư duy. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, trong môi trường công việc, học tập và đời sống hàng ngày của chúng ta vẫn còn đầy rẫy những ngôn từ mang sắc thái ăn thua như: “đánh”, “chiến”, “giết”… hãy loại bỏ khỏi trường từ vựng của mình để cùng kiến tạo một hệ sinh thái ngôn từ organic.
Ngoài ra, cũng đã đến lúc giã biệt các câu chuyện dân gian ngợi ca tiểu xảo kiểu như trạng lừa chúa, đầy tớ chơi khăm chủ, anh em ruột thịt chơi nhau sát ván, mẹ kế con chồng trả thù tàn bạo. Những sản phẩm văn hoá có triết lý cay nghiệt, “thâm nho”, loại ca dao gieo rắc nghi kỵ “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng”, tục ngữ nuôi lòng thù hận như “quân tử báo thù mười năm chưa muộn” nên liệt vào dạng những “di sản” phản văn minh, cần được vĩnh viễn đóng lại.
Bởi tâm trí chúng ta đáng được nâng niu, trân trọng.
Bởi con cái chúng ta xứng đáng được sống trong một thế giới nhân ái, bình yên và hạnh phúc.
Và bởi bạn, những kẻ làm bạn tổn thương hay những người từng bị bạn làm cho thương tổn, đều khao khát yêu thương và xứng đáng được chữa lành.
Nhà văn Phạm Tường Vân (Trí Thức Việt Nam)
Cần chấm dứt bạo hành trẻ em!
Hơn 20 năm làm báo cho tôi những trải nghiệm đủ để có cái nhìn bình thản, khách quan trước nhiều biến cố khó tin, vậy mà bây giờ nhiều lúc, để giữ tâm bình an, tôi không dám mở báo ra đọc nữa. Có cảm tưởng chưa khi nào mà cái ác hiển lộ mạnh mẽ đến thế, được dung dưỡng dễ dàng hồn nhiên đến thế, đến nỗi chúng ta phải hỏi liệu đã tới ngưỡng chưa và ngày tận thế còn bao nhiêu canh giờ nữa?
✅ Ẩn ức tâm lý và những cái ác tinh vi
Bên cạnh những sự ác độc hồn nhiên do thiếu hiểu biết hoặc kém ý thức, có điều ác tinh vi khởi sinh từ mặc cảm thua kém, tự ti.
Những cơn mưa đá, những chiến dịch bóc mẽ, dìm hàng, trolling tập thể và những ngôn từ hằn học, tai ác ngày càng phổ biến trên mạng xã hội là minh chứng sinh động.
Trong gia đình, không hiếm ông bố ngược đãi con cái chỉ vì mặc cảm thua kém trước bà vợ quá giỏi giang, mọi ấm ức không thể đối thoại với người kia được trút hết vào đứa trẻ. Cũng dễ gặp nhiều bà mẹ ép con đạt thành tích cao trong học hành, thể thao, nghệ thuật chỉ để trả thù người chồng bội bạc.
Nhiều cặp vợ chồng đã cạn tình với nhau nhưng nhất quyết không ly dị chỉ vì không muốn kẻ kia tìm được hạnh phúc mới trước mình.
Ngoài xã hội, không hiếm người nghiện cảm giác thỏa mãn khi phô bày ưu thế trước người bất hạnh. Không khó tìm một nhà từ thiện chưa giải hết mặc cảm thiếu thốn trong quá khứ, kẻ giơ tay cứu giúp để trả thù chính những kẻ từng khinh khi mình, kẻ hào phóng trao tặng lời khuyên đồng thời gây chia rẽ, lấy đi toàn bộ lòng tự tôn, kẻ rộng rãi ban phát chút ít ân huệ, nhưng để trói người nhận chung thân trong nhà tù hàm ơn. Không ít người tìm thấy niềm sướng khoái khi có cơ hội khiến ai đó hoàn toàn lệ thuộc vào mình rồi bỏ mặc, hoặc chôn vùi kẻ từng làm đau mình trong mặc cảm tội lỗi vĩnh viễn.
Điều tệ hơn cả là họ đang làm điều đó với người thân, nhân viên, cộng sự, học trò – những đối tượng mà lẽ ra sẽ cùng cộng hưởng để tạo nên giá trị nhân văn bền vững.
Hậu quả là những đứa trẻ lớn lên trong những cái “tổ lạnh” – một môi trường thiếu vắng tình yêu thương như thế, sẽ tiếp tục (một cách vô thức), lặp lại hành vi ngược đãi ấy với người khác và con cái mình.
Những học sinh bị thầy cô ngược đãi sẽ tiếp tục ngược đãi học trò nếu có cơ hội làm thầy. Những nhân viên bị đối xử thiếu công bằng sẽ ra đi, tiếp tục tạo ra những doanh nghiệp cạnh tranh bởi động cơ “phục hận”, và “win – win” sẽ vẫn mãi là một khái niệm xa lạ.
Mặc cảm tự ti khiến con người tự giam mình trong hoài nghi, đóng lại khả năng thụ cảm điều đẹp đẽ.
Mới đây vợ chồng một doanh nhân nhặt được chiếc ví có vài chục triệu trong đó, đã nhờ cộng đồng Facebook tìm ra khổ chủ và gửi trả. Thật tiếc, anh chị đã bị không ít người trong cộng mạng chế nhạo là khoe mẽ.
“Khôn ngoan” hơn, cháu gái tôi, một cô bé 12 tuổi sau buổi học thêm tiếng Anh đã thấy một chiếc iPhone nằm trong balo, nhanh chóng tìm người mất để trả lại. Nhưng dù đã được mẹ thuyết phục, cô bé vẫn nhất quyết không nói với giáo viên, vì sợ… bị tuyên dương, sợ mọi người xúm vào bình phẩm, sợ bị chê ngu, bị mỉa mai là “ham thể hiện”…
Thời đại nào mà người tử tế, việc thiện lành đã hiếm nay lại trở nên cô độc đến thế? Trở ngại nào đã khiến một đứa trẻ không dám hồn nhiên phô bày một việc tốt lẽ ra rất đáng biểu dương? Phải chăng nó cảm thấy quá đơn độc lẻ loi giữa những miệng lưỡi nhân gian độc địa bởi lòng đố kị mà người lớn hàng ngày trưng ra trước nó?
Tôi muốn hạnh phúc. Và chắc bạn cũng thế. Bạn khao khát hạnh phúc và bình yên, bạn yêu con trẻ, yêu các thiên thần, yêu điều đẹp đẽ, bạn ghét cái ác như tôi thậm chí hơn tôi. Tuổi nhi đồng, bạn từng sướng run khi người hùng trừ gian diệt ác thắng thế, thời thanh niên, bạn từng ước ao lớn lên trở thành một trong số họ, ngay cả khi đã chai sại vì đời va đập, bạn vẫn có thể giận run lên khi chứng kiến những điều phi nhân phi nghĩa.
Vậy tại sao chúng ta vẫn phải sống chung với nó?
✅ Đường biên thiện – ác vắt ngang tim
Có lúc chúng ta ngỡ ngàng bật dậy giữa đêm, vã mồ hôi khi nhận ra cổng cửa quên khoá, lật đậy dật thay ổ khoá bự hơn, bật vội hệ thống báo trộm rồi run rẩy cầm con dao đi dò khắp nhà, mắt liếc sang nhà hàng xóm đầy nghi ngờ. Để rồi sáng thức dậy, nhìn qua ban-công nhà đối diện, bắt gặp nụ cười nhẹ như mây cùng với một chùm hoa thơm chĩa sang dụi đầu vào ô cửa kính, ta dụi mắt chưa dám tin.
Ta có chút hối hận vì trót nghi ngờ cánh tay khoẻ khoắn từng chìa ra xách đỡ đồ cho ta lúc lên cầu thang, nhưng rồi mỗi khi nỗi bất an nghi kị trào lên, ta lại quên.
Ta sẵn sàng nổi quạu khi thấy trước cửa nhà một bịch rác vô chủ còn nhà hàng xóm kín cổng cao tường sạch sẽ đến khả nghi.
Từ chỗ ta sẵn sàng mở nhạc cổ điển thật to vào giữa trưa nắng, lúc vợ chồng gã hàng xóm bắt đầu chợp mắt để trả thù cái tội họ luôn luôn tọng “Còn thương rau đắng sau hè” hết cỡ vào tai ta sáng sớm, đến chỗ muốn gõ vào đầu gã say nhà ấy mấy búa, khi hắn khoan tường vào giờ nhạy cảm.
Bạn hơi chạnh lòng khi công sức của bạn không được ghi nhận xứng đáng, cơn ấm ức của tôi cũng tăng dần đến ứa gan khi đồng nghiệp xấu xí hơn, kém cỏi hơn nhưng lại được sếp đẹp trai giàu có để mắt và đang có nguy cơ trở thành bà chủ?
Tôi từng nổi cơn khó chịu, bạn rất muốn bóc mẽ, dìm hàng khi người trước mặt thể hiện giàu có giỏi giang hơn những gì hắn thực có? Và nếu kẻ đó nổi điên gây hấn với ta, điều gì đảm bảo là ta không tham chiến?
Tôi gay gắt lên án bảo mẫu bạo hành trẻ em nhưng quên mất mình cũng có lúc nổi điên muốn đét đít con một cái cho bõ tức. Bạn phê phán đàn ông vũ phu nhưng ai dám chắc chưa từng có giây phút bạn ước ao mụ vợ lắm điều bỗng dưng trúng gió cấm khẩu, ước con chó hàng xóm hay sủa một ngày ra đường rồi mãi mãi không trở về?
Sự khác biệt giữa bạn – tôi và họ là rất không đáng kể. Ranh giới để ta trở thành họ thật ra hết sức mong manh.
Chúng ta may mắn vì nhận thức tốt hơn, tự chủ tốt hơn hoặc chưa rơi vào môi trường/điều kiện thuận lợi đủ để kích nổ cái quả bom sân hận vốn tiềm ẩn trong mình. Thế nhưng liệu chúng ta còn giữ mình được bao lâu, khi môi trường tinh thần và các giá trị nhân văn đang bị cái ác xâm thực mạnh mẽ?
Có người (như tôi) chọn giải pháp không đọc báo, không xem tivi, đóng cửa trước thông tin tiêu cực. Nhưng đâu cần mở báo hay click chuột, chỉ cần hé cửa ra là bạn đã có thể lãnh trọn tiếng loé xoé của hàng xóm, vào chợ nghe người bán chửi người mua, vô quán bắt gặp người phục vụ trả thù khách khó tính bằng thọc nguyên ngón tay cái đen thui vào bát phở, đến công sở bắt quả tang đồng nghiệp chơi khăm nhau, đón con về nơm nớp sợ kẻ xấu vờ đụng xe cướp con khỏi tay mình, vô bệnh viện thì đau lòng nhìn người thân bị y tá chọc kim rõ đau để “nhắc” tiền bồi dưỡng…
Rồi tôi sớm nhận ra rằng mình có thể mua nhà nhưng không mua được hàng xóm, có thể chọn bạn bè, nhưng không chọn được họ hàng, đồng nghiệp, có thể bảo bọc con nhưng không thể làm thế với tất cả bạn bè và môi trường xã hội của mà chúng sẽ gặp trong đời.
✅ Loại bỏ, đào thoát hay chung sống hoà bình?
Nếu nhìn vào lịch sử, kinh nghiệm Tần Thuỷ Hoàng, Lê Ngoạ Triều, Mao, Nazi, Pol Pot… cho thấy dưới một thể chế mà việc làm ác chẳng những không bị ngăn cản mà còn được khen thưởng thì dân chúng sẽ càng ngày trở nên tàn ác và hiệu ứng ngược lại ở những xã hội đề cao giá trị nhân văn, trân quý con người. Nước Đức từng được chọn là nơi tốt nhất để sinh sống làm việc, chỉ vài chục năm sau khi Nazi bị hủy diệt. Hà Lan đứng trước khả năng dỡ bỏ nhà tù vì không còn tội phạm.
✅ Vậy liều thuốc nào dành cho cho người Việt?
Con trai tôi – một teenager mê sáng chế robot – fan trung thành của Marvel và thế giới siêu anh hùng kiểu Mỹ trả lời câu hỏi này như sau: “Nếu không suy nghĩ chín chắn lắm, con sẽ chọn biện pháp loại bỏ/ cách ly hết kẻ xấu, kẻ ác ra khỏi xã hội. Cách thứ hai là bỏ đi, đến nơi nào mà ta thấy con người văn minh nhân ái hơn. Nhưng mẹ biết đấy, cả hai cách này đều không khả thi.”
Về giải pháp, sau một thời kỳ “ngâm cứu” các nhân vật phản diện có tâm lý phức tạp (những đối thủ nặng ký của các siêu anh hùng nhiều sức mạnh và tâm hồn ngây thơ), lý luận chàng trai tuổi teen ưa thích môn tâm lý học này là: “Ác là một dạng bệnh lý.” Chuỗi nhân vật phản diện của Marvel là những thí dụ sinh động về những cái ác khởi sinh từ tổn thương thời ấu thơ, các dạng thái nhân cách do các cú sang chấn tâm lý vị thành niên đã kích hoạt “kíp nổ” được gài sẵn trong tiềm thức. Các siêu anh hùng có mạnh đến đâu, cũng không thể nào diệt ác trừ gian tận gốc, nếu thiếu giải pháp tổng thế: “mỗi cá thể tự nhận ra cái kíp nổ đó trong mình, tháo gỡ và vô hiệu hoá nó”- Đây cũng là cách các ông lớn ngành giải trí phương Tây cài đặt triết lý thiện – ác vào công chúng nhỏ tuổi của mình, để đánh thức những giấc mơ, nuôi dưỡng chủ nghĩa anh hùng trong một thế giới mà con người ngày càng trở nên vô cảm, vị kỷ.
Dễ hiểu vì sao người phương tây nói chung có ý thức cao về vai trò và trách nhiệm cá nhân, ít tiểu xảo hay ác vặt.
Thật ra, từ hơn 2500 trước, ông Phật đã chẩn bệnh: ác hạnh là bởi vô minh, còn khái niệm “kíp nổ” hay “mầm ác” này được gói gọn trong 3 từ: tham – sân – si.
Hơi khó để đề cập sâu hơn trong giới hạn một bài viết nhỏ. Nhưng theo tôi, ở cấp độ đơn giản, người Việt muốn giải được tham (hám lợi bất chấp đạo lý), việc đầu tiên là phải gỡ bỏ hết những ẩn ức do thiếu thốn đói nghèo, từ đó từng bước minh định lại các chuẩn giá trị.
Chừng nào tâm con người bớt bị thiêu đốt bởi các giá trị ảo, có nhiều lựa chọn hơn cho mỗi người, cuộc sống cũng sẽ bớt điên cuồng.
Muốn giảm thiểu sân (hằn học, ganh ghen đố kị) phải xoá hết mặc cảm tự ti, thành thật với chính mình để bớt hoang tưởng, biết điểm mạnh yếu của mình để bớt hẹp hòi, đố kị trước thành quả lao động của người khác, chấp nhận sự khác biệt. Muốn bớt si (mù quáng, a dua, nghiện ngập) thì sự hiểu biết là loại kháng thể mạnh giúp ta ý thức được giới hạn, tự điều chỉnh trong từng ý nghĩ và hành động, tránh bị bản năng dẫn dắt.
✅ Like và share có ý thức
Tôi cũng nghĩ rằng mùa xuân chỉ đến khi nào người Việt nhận thức lại, xây dựng lại chuẩn giá trị từ trong gia đình. Chừng nào cha mẹ nhận thức đúng đắn hơn nữa việc giáo dục con cái, thay vì biến con thành công cụ thoả mãn mong muốn ích kỷ của chính mình. Chừng nào mỗi người biết tư duy tích cực, biết tìm ưu điểm của nhau để phối hợp thay vì tìm điểm yếu để triệt hạ. Chừng nào giá trị bền vững là điểm kết nối giữa các thành viên trong gia đình, công sở, cơ chế để những khác biệt cùng tồn tại được thiết lập, thì chừng đó cách biệt sẽ được rút ngắn, tổn thương sẽ sớm được chữa lành, xung đột sẽ được hoá giải.
“Lưỡi luôn tìm đến những nơi có răng đau” – Tin xấu luôn có sức hấp dẫn và lan toả hơn tin tốt. Để tránh bị “ám thị”, mỗi người hãy cùng nhau tạo ra một trường thông tin tích cực, văn minh trên các tương tác với thế giới mạng. Trước khi làm một việc đơn giản như bấm like, nhấn nút share, hãy ý thức mỗi một niệm (ý nghĩ, lời nói) tiêu cực cũng có sức công phá chẳng khác nào trái bom, để tự hỏi mình vì sao làm thế, điều gì đang hối thúc từ bên trong: mong cầu hàn gắn, yêu thương hay phá huỷ?
Tâm lý học hiện đại đã chỉ ra: ngôn từ không chỉ là sản phẩm (một chiều) của tư duy mà nó cũng có khả năng tương tác, tạo ra khung mẫu tư duy. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, trong môi trường công việc, học tập và đời sống hàng ngày của chúng ta vẫn còn đầy rẫy những ngôn từ mang sắc thái ăn thua như: “đánh”, “chiến”, “giết”… hãy loại bỏ khỏi trường từ vựng của mình để cùng kiến tạo một hệ sinh thái ngôn từ organic.
Ngoài ra, cũng đã đến lúc giã biệt các câu chuyện dân gian ngợi ca tiểu xảo kiểu như trạng lừa chúa, đầy tớ chơi khăm chủ, anh em ruột thịt chơi nhau sát ván, mẹ kế con chồng trả thù tàn bạo. Những sản phẩm văn hoá có triết lý cay nghiệt, “thâm nho”, loại ca dao gieo rắc nghi kỵ “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng”, tục ngữ nuôi lòng thù hận như “quân tử báo thù mười năm chưa muộn” nên liệt vào dạng những “di sản” phản văn minh, cần được vĩnh viễn đóng lại.
Bởi tâm trí chúng ta đáng được nâng niu, trân trọng.
Bởi con cái chúng ta xứng đáng được sống trong một thế giới nhân ái, bình yên và hạnh phúc.
Và bởi bạn, những kẻ làm bạn tổn thương hay những người từng bị bạn làm cho thương tổn, đều khao khát yêu thương và xứng đáng được chữa lành.
Nhà văn Phạm Tường Vân (Trí Thức Việt Nam)