Tuyệt tác điêu khắc Pietà của Michelangelo: Thuần khiết từ bi, vô oán vô hận

Là kiệt tác khắc họa hình ảnh Đức Mẹ ôm thân thể Chúa Giêsu trong vòng tay của mình, nhưng khác với các tác phẩm khác cùng chủ đề, Pietà của Michelangelo không có sự oán hận, không có nỗi đau quặn thắt, mà có chăng chỉ là sự thanh thản, bình yên, thánh khiết, vô oán vô hận, thể hiện ra trí huệ vô hạn vượt trên mọi xúc cảm của con người…

Michelangelo được coi là một trong những thiên tài nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, một người mà tên tuổi đã gắn liền với khái niệm “kiệt tác”. Ông đã để lại những tác phẩm bất hủ trong lĩnh vực điêu khắc, hội họa, và kiến trúc. Với sự rộng lớn và đa dạng trong các thành tựu nghệ thuật, Michelangelo đã tạo nên một dấu ấn không thể xóa nhòa trong sáng tạo nghệ thuật ở phương Tây vào đỉnh cao của thời kỳ Phục Hưng.

Trong số những đứa con tinh thần của Michelangelo, thì mái vòm nhà nguyện Sistine tại Vatican có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất, nhưng nói về kiệt tác tâm đắc nhất của ông, thì phải kể tới Pietà – tác phẩm duy nhất mà Michelangelo để lại chữ ký của mình.
Michelangelo đã từng thực hiện một số tác phẩm điêu khắc tại Florence dành cho nhà Medici, nhưng vào những năm 90 của thế kỷ 15, ông rời Florence tới Venice, tới Bologna và rồi tới ở lại Rome trong khoảng từ 1496 tới 1501. Năm 1497, Hồng y Jean de Billheres đã ủy thác cho Michelangelo thực hiện một tác phẩm điêu khắc đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Và kết quả là sự ra đời của Pietà – một kiệt tác đã đưa sự nghiệp của Michelangelo ngay lập tức lên đến đỉnh cao nhất.

Cho đến hiện tại, Pietà vẫn được đặt tại một vị trí trang trọng ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (St. Peter’s Basilica) tại Vatican, Ý. Dù kích thước của kiệt tác này tương đối nhỏ so với toàn bộ không gian của thánh đường, nhưng vẻ đẹp, cảm xúc và thần thái của bức điêu khắc khiến người xem không khỏi đắm mình vào nó. Xuyên suốt bên trong Pietà là một cảm giác rất nhân văn, cao thượng, vô cùng tự nhiên và gần gũi. Nhưng trên hết, Pietà toát lên một vẻ đẹp thần thánh mà chúng ta sẽ không thể tìm thấy trong bất cứ tác phẩm nào khác cùng chủ đề.
Nói về chất liệu, Michelangelo thừa nhận rằng khối đá hoa cương trắng Carrara mà ông dùng để điêu khắc Pietà là khối đá hoàn mỹ nhất mà ông từng sử dụng. Cũng chính vì thế, Michelangelo chăm chút cho Pietà tỉ mỉ hơn bất cứ một tác phẩm điêu khắc nào khác của ông.

Kết cấu tổng thể của Pietà là hình kim tự tháp, đem đến sự cân bằng, hài hòa và đối xứng. Nó khiến ánh mắt người xem bị hút vào khuôn mặt chứa đựng sự bình yên của Đức Mẹ. Những đường nét được sử dụng trong tác phẩm khiến nó đầy năng lượng và sức sống. Tóc của Đức Giêsu, những nếp gấp tinh tế trên chiếc váy của Đức Mẹ, cũng như làn da của cả hai đã tạo nên một vẻ đẹp tuyệt vời cho tác phẩm.
Trong tác phẩm này, người ta nhận thấy rằng tỷ lệ thân mình của Đức Mẹ và Chúa Giêsu không thực sự tương xứng một cách tự nhiên với nhau. Nói một cách chính xác, mặc dù phần đầu của Đức Mẹ và Chúa Giêsu là cùng kích thước, nhưng cơ thể thì không. Cơ thể của Đức Mẹ lớn hơn cơ thể của Chúa Giêsu, và vì thế Pietà thiếu đi sự tương xứng giữa các bộ phận thân thể. Vào thời kỳ Phục Hưng, các nghệ sĩ có xu hướng tuân theo tỷ lệ chính xác của thân thể người trong các bức họa hay điêu khắc, thậm chí là khiến tỷ lệ đó trở nên hoàn mỹ. Tuy nhiên, trong kiệt tác của mình, Michelangelo lại bỏ qua việc theo đuổi tỷ lệ để mang đến cho bức điêu khắc của mình một sự cân bằng và hài hòa, một cảm giác trọn vẹn. Chính vì thế, Pietà là sự kết hợp cân đối của các nguyên lý nghệ thuật với cảm quan của người xem.
Tuy nhiên, hàm ý của Pietà mới thật sự là điều khiến bức điêu khắc này trở thành một tuyệt tác đỉnh cao của thời kỳ Phục Hưng. Pietà khắc họa hình ảnh Đức Mẹ ôm thân thể của Chúa Giêsu sau khi thân xác ngài được hạ xuống từ thập tự giá. Đây là một trong bảy sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Mẹ, còn được gọi là bảy nỗi đau của Đức Mẹ. Thời bấy giờ, chủ đề Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu trong vòng tay của bà đã được các nhà điêu khắc tại Pháp, Đức thực hiện, nhưng chưa thực sự được biết đến tại Ý. Bên cạnh đó, hình ảnh mà các nghệ sĩ thể hiện thường mô tả Đức Mẹ trong đau đớn và nỗi khổ vô bờ mà Chúa Giêsu phải chịu. Tuy nhiên, Michelangelo lại xây dựng một hình ảnh hoàn toàn khác bên trong tác phẩm của mình.
Một tác phẩm khác cùng chủ đề vào thế kỷ 16.

Ở trung tâm của bức điêu khắc, Đức Mẹ hiện lên trông rất trẻ, gương mặt không có oán hận, không có nỗi đau quặn thắt, chỉ có sự thanh thản, bình yên và thuần khiết. Đức Mẹ chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu một cách khoan dung.
Chúa Giêsu nằm trong lòng bà, gương mặt thanh thản, không hề cho thấy nỗi khổ bị đóng đinh, mà chỉ có sự bình an như còn đang say ngủ.
Đức Mẹ không trực tiếp chạm vào thân thể Chúa Giêsu, mà lại dùng một tấm vải nâng lấy Chúa, thể hiện sự thiêng liêng của thân thể Đức Chúa. Tất cả đều toát lên sự từ bi và trí huệ vô hạn, vượt trên mọi xúc cảm của con người.
Pietà là cái tên phổ biến của chủ đề Đức Mẹ ôm Chúa Giêsu tại Ý. Không ai biết nó xuất hiện đầu tiên từ khi nào, nhưng nó hoàn toàn khác với khái niệm đau thương của Chúa (lamentation of Christ) mà các tác phẩm khác mô tả. Rất có thể từ Pietà chỉ xuất hiện phổ biến ở Ý sau khi tác phẩm của Michelangelo được đưa ra công chúng. Trong tiếng anh, Pietà có nghĩa là “pity” (lòng trắc ẩn) hay “compassion” (lòng thương), nhưng nếu chuyển thể chính xác từ văn hóa phương Tây sang văn hóa phương Đông, thì có lẽ chúng ta phải dịch Pietà là “từ bi”. “Từ bi” là một khái niệm mà người phương Đông xưa dùng để chỉ biểu hiện của các vị Thần Phật, mà gần gũi nhất với người Việt chính là Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi. “Từ bi” tương đương với khái niệm “love” (tình yêu) trong tôn giáo phương Tây, vốn không phải là tình yêu nam nữ, mà là một khái niệm khác, chính là tình yêu và từ tâm đối với mọi điều. Đây là khái niệm bản thân tôn giáo phương Tây không có từ ngữ riêng để mô tả, mà phải dùng từ “love”, và vẫn luôn lúng túng khi giải thích nó.

Bởi vì lòng từ bi mà Chúa Giêsu đã gánh chịu tội lỗi và khổ đau thay cho con người. Bởi vì lòng từ bi mà người ta không hề nhìn thấy sự khổ đau trên khuôn mặt ngài, khi thân xác ngài được hạ xuống từ thập tự giá. Cũng bởi vì lòng từ bi, mà Đức Mẹ không cảm thấy đau khổ khi mất đi một người con.
Chính vì hai chữ “từ bi” ấy mà Pietà đã trở thành một tác phẩm điêu khắc hiếm hoi có thể miêu tả được một cách hoàn mỹ nhất vẻ đẹp của Thần Phật, điều ngôn ngữ phương Tây khó có thể chạm tới. Đó chính là sự bất hủ trong Pietà của Michelangelo.

• Ảnh sử dụng trong bài nằm trong Public Domain

Huy Minh (trithucvn.net)

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ