Máu đã đổ trên từng nút like


Đọc báo thấy tin nữ sinh tự tử vì hình ảnh cô bé ấy hôn bạn trai bị tung lên mạng, mình cảm thấy phẫn nộ vô cùng. Kẻ tung ảnh đã đưa cô bé lên đoạn đầu đài, nhưng kẻ cầm gươm giáng xuống và kết liễu cô bé, không ai khác, chính là những người xung quanh cô.

Những người mà đứng trước thi thể cô, có thể đang tiếc nuối, có thể đang bàng hoàng, có thể đang thương khóc, có thể đang hoang mang, dù là nét mặt gì cũng không thay được một sự thật là bàn tay họ đã nhuốm máu của người đã chết.

Câu chuyện làm mình nhớ đến vụ scandal đình đám của Hoàng Thùy Linh cách đây 10 năm. Khi đó mình học lớp 7. Câu chuyện lan truyền một cách kinh khủng. Ở trong trường cứ bật bluetooth điện thoại là sẽ có người gửi cho bạn đoạn clip. Tất cả các tiệm net xung quanh trường đều download đoạn clip và để ở màn hình chờ. Một cơn bão chưa từng có giáng xuống ngôi trường cấp 2 của mình, chủ đề bàn tán suốt một thời gian dài là sex, là đoạn clip được phát tán, là những cảnh tượng phơi bày trong đoạn clip. Câu chuyện kéo từ lớp học ra đến xe đưa rước, mọi người phát sốt lên lùng sục để xem, để bình phẩm, và rồi lại phát tán.

Rồi Hoàng Thùy Linh phải lên sóng VTV xin lỗi, sự nghiệp bị gián đoạn 10 năm. Khi đó, 14 tuổi, mình bị cuốn theo cơn sóng của hàng tỉ lời chê bai bình phẩm trên mạng, đã lên án kịch liệt Hoàng Thùy Linh và cho rằng cô nên biến mất hoàn toàn khỏi showbiz vì “hình tượng dơ bẩn” của mình.

Nhưng sau này nghĩ lại, mình nghĩ khác.

Thứ nhất, tại sao Hoàng Thùy Linh phải xin lỗi? Lỗi của cô là gì? Cô phải xin lỗi ai cho việc đó? Khi đoạn clip được quay lại, cô và bạn trai đã trên 18 tuổi, đó là một việc xét về pháp luật chẳng có gì là sai cả. Mặt khác, chỉ vì điện thoại bị mất mà thông tin rò rỉ, cô cũng không phải là người tung ra đoạn clip.

Thứ hai, trong câu chuyện này, Hoàng Thùy Linh là nạn nhân. Cô đã bị xâm hại quyền riêng tư một cách trắng trợn, tàn nhẫn đến tận cùng. Cô đã phải chịu tất cả sự thóa mạ tồi tệ nhất về nhân phẩm. Cô đã phải chứng kiến những điều riêng tư nhất của mình bị phơi bày ra cho thiên hạ bình phẩm như một món hàng. Nhưng những gì truyền thông quan tâm là “thuần phong mỹ tục” – một ảo ảnh không hơn những nhãn dán và định kiến trong đầu óc u tối của chúng ta.

Người ta muốn ném đá đến chết kẻ đáng ra cần được bảo vệ.

Nhìn một Hoàng Thùy Linh đầy thành công bây giờ, mình cảm thấy cô đã quá mạnh mẽ và đáng khâm phục, ít nhất cô không để đám đông vô tri đó giết chết mình.

Nhưng cô bé vừa tự sát, thì không. Và nếu bạn từng bấm một nút like, một nút share, thậm chí nếu bạn từng kể với ai về tấm hình bị lan truyền của cô bé, thì bạn đã góp phần giết chết một mạng người.

Điều làm tôi phẫn nộ ở đây là, đã là năm 2018 rồi, nhưng cách chúng ta phản ứng trước một tấm hình hay một đoạn clip nhạy cảm của ai đó trên mạng y hệt như cách chúng ta phản ứng với cuộc khủng hoảng truyền thông của Hoàng Thùy Linh 10 năm trước.

Rất nhiều đứa trẻ đã chết vì thà là chọn cái chết còn dễ chịu hơn phải đối mặt với búa rìu dư luận. Nhưng chúng ta, những người lớn, chúng ta không học được điều gì cả.

Việc đầu tiên, chúng ta không bao giờ chịu hiểu người bị tung đoạn clip nhạy cảm lên mạng là nạn nhân. Họ đã bị xâm phạm quyền riêng tư. Họ đã bị khủng bố về tinh thần và bị chà đạp về nhân phẩm. Họ không phải là người có lỗi. Họ là người cần được cứu giúp và cần được bảo vệ.

Những gì chúng ta lo sợ đầu tiên là: Người ta sẽ nghĩ gì về mình nếu mình có liên quan đến người trong đoạn clip. Chúng ta lo sợ điều đó. Chúng ta trách móc vì điều đó. Nhưng đó không phải là bản chất vấn đề, người ta nghĩ gì, không quan trọng, quan trọng là cách đối mặt và giải quyết khủng hoảng.

Quan trọng là, những người lớn, các bậc cha mẹ, các vị thầy cô, các vị không bao giờ được quên rằng đứa trẻ của các vị là nạn nhân và chúng cần được bảo vệ.

Cách đây 10 năm, thời Hoàng Thùy Linh, chúng tôi phải ra tiệm net để cập nhật thông tin. Bây giờ, thông tin ngay lập tức phát tán với tốc độ chóng mặt bởi mỗi người đều sở hữu thiết bị điện tử thông minh. Cách đây 10 năm, đoạn clip chỉ bị tung lên khi điện thoại bị mất, bây giờ thì ngay lập tức bằng tính năng livestream, những gì nhạy cảm nhất có thể phát đi toàn thế giới.


Chúng ta phải hiểu thời đại chúng ta sống đã khác, môi trường mạng đã trở thành đời sống thứ hai song song với đời sống cơm áo gạo tiền của chúng ta. Và con trẻ đứng trước vô vàn nguy cơ. Đã bao giờ chúng ta trang bị cho chúng đủ nhận thức về những nguy cơ mà chúng phải đối mặt? Đã bao giờ chúng ta để ý và lường trước những nguy cơ đó? Đã bao giờ chúng ta giáo dục chúng về sự an toàn trên mạng? Nếu chưa, thưa quý vị, lỗi trước hết là ở chúng ta.

Vì vậy, khi khủng hoảng nổ ra, phản ứng ngay lập tức không phải là phán xét hay trách mắng, mà phải là trấn an. Chuyện sẽ xảy ra và cơn bão truyền thông sẽ xảy ra, nhưng ngay bây giờ con em chúng ta đang vô cùng hoảng loạn. Nếu ta không can thiệp kịp thời – chúng sẽ tìm đến cái chết. Điều tiếng xã hội có quan trọng hơn sinh mạng của một đứa trẻ?

Thứ hai, về việc lan truyền thông tin đó, bản tính bầy đàn của con người trên mạng ảo là điều không thể tránh khỏi. Ở trên mạng, cái mà người ta tiếp xúc thực ra là một cái màn hình và vô vàn thông tin. Trên biển thông tin đó, người ta quên mất những điều mình làm tác động đến đời sống và sinh mạng của một con người có thật. Đám đông trên mạng là một đám đông vô tri và tàn nhẫn, chúng tàn nhẫn bởi vì chúng vô tri.

Vậy thì, ta phải dạy con trẻ biết nhận thức về hành vi của mình trên mạng. Rằng khi con lan truyền một thông tin về bạn của mình, con đang bôi nhọ bạn. Hành vi đó là sai. Con đang góp phần giết bạn. Con đang tàn nhẫn với bạn. Nếu bạn chết rồi, con có thể chuộc hết tội được không?

Và ngay cả các vị, những người lớn, hãy lựa chọn đúng. Đừng biến mình thành một mắt nối lan truyền thông tin. Đừng like, đừng share, và đừng bàn tán, nếu thực sự bản thân mình không thể đưa ra được một giải pháp đáng hoàng.

Nói cho cùng, việc bàn tán về những thông tin nhạy cảm đó sẽ mang đến lợi ích gì cho việc xử lý khủng hoảng truyền thông? Nó chỉ giúp thông tin lan truyền và làm mọi chuyện xấu hơn mà thôi. Đáng xấu hổ cho ai lan truyền thông tin chỉ vì hả hê và vui thú, thực sự đáng xấu hổ.

Cuối cùng, xin nhớ cho, tất cả chúng ta đều là những nạn nhân dự bị của mạng xã hội. Nguy cơ bị phát tán thông tin cá nhân mà mình không mong muốn xảy ra với bất kì ai, ngay cả khi bạn không sử dụng mạng xã hội.

Tôi nhớ trong bộ phim siêu anh hùng Jessica Jones. Jessica phải trốn tránh sự truy đuổi của một tên sát nhân có khả năng điều khiển tâm trí của người khác. Một lần, cô đột nhập vào sào huyệt của hắn, và ngỡ ngàng nhận ra trên tường là vô vàn ảnh của cô chụp lén cả những khoảnh khắc riêng tư nhất. Tên sát nhân đã điều khiển tâm trí mọi người để họ chụp những tấm ảnh đó. Nhưng ai chụp? Jessica hoảng hốt chạy ra đại lộ và hoang mang nhìn hàng ngàn thiết bị điện tử ở khắp mọi nơi khi dòng người đi qua…

Hình ảnh hàng ngàn thiết bị đó khiên tôi cảm thấy thế giới mạng thực sự rất đáng sợ, hình ảnh của bạn không bao giờ là an toàn trên mạng. Chỉ một đoạn clip cắt bớt vài giây, và bạn đã là nạn nhân của sự tàn sát bằng những lời thóa mạ.

Hãy luôn nhớ rằng, không chỉ những đứa trẻ, mà ngay cả bạn cũng có thể trở thành nạn nhân nữa. Khi đó, liệu bạn có tự tin ngẩng cao đầu đối mặt với tất cả mọi sư hiếu kì, lan truyền, bàn tán, lăng mạ, như cách bạn đang làm với người thân xung quanh bạn?

Hãy tỉnh táo. Đừng là một kẻ giết người. Giết người vì vô tri cũng ghê tởm không kém gì việc cố sát.

Duy Trần

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ